Khó đủ đường
Theo Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), quỹ thành viên là loại hình quỹ đóng, muốn tăng, giảm vốn phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 224/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên, thời gian thực hiện lên đến 3 - 4 tuần. Thời gian này kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư tham gia quỹ.
Trên thế giới, một số nước cho phép loại hình quỹ mở thành viên hoạt động (thay vì quy định quỹ thành viên là quỹ đóng), tạo sự linh hoạt cho các nhà đầu tư tham gia. Việt Nam nên học tập kinh nghiệm này.
Đối với hoạt động của quỹ mở, hệ thống pháp lý không quy định về phí thưởng cho hoạt động quản lý quỹ mở, không cho phép quỹ mở phát hành các loại chứng chỉ quỹ khác nhau tương tự như nhiều nước, dẫn tới hạn chế sự phát triển của hệ thống quỹ mở tại Việt Nam.
Để mở rộng kênh phân phối quỹ mở, từ đó đưa sản phẩm này đến gần hơn công chúng đầu tư, nhiều ý kiến đề xuất, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương làm việc với Ngân hàng Nhà nước để mở ra cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại tham gia phân phối chứng chỉ quỹ mở.
Về quỹ hoán đổi danh mục (ETF), qua 3 năm kinh nghiệm quản lý loại hình quỹ này, SSIAM nhận thấy, nhà đầu tư phải trả phí chuyển quyền sở hữu chứng chỉ quỹ ETF tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán 2 lần. Lần 1 là khi nhà đầu tư hoán đổi rổ chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ ETF sơ cấp, lần 2 là khi họ thực hiện hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF để lấy rổ chứng khoán cơ cấu, phí mỗi lần là 0,05%/giá trị hoán đổi.
Tương tự, nhà đầu tư cá nhân phải chịu 2 lần thuế khi thực hiện hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy lô chứng chỉ quỹ ETF và hoán đổi lô chứng chỉ quỹ ETF lấy danh mục chứng khoán cơ cấu, với mức thuế 0,1%/tổng giá trị của chứng khoán cơ cấu hoặc 0,1%/giá trị chứng chỉ quỹ.
Để khắc phục bất cập này, ý kiến từ các thành viên thị trường đề xuất, cơ quan quản lý cần sửa đổi các quy định về thuế, cũng như sửa đổi Thông tư 229/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ ETF theo hướng mức phí chuyển quyền sở hữu và thuế đối với nhà đầu tư cá nhân chỉ nên áp một lần khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ ETF.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích sự ra đời của quỹ hưu trí, “làm mới” khái niệm chứng khoán để mở đường cho đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư. Trong đó, bổ sung khái niệm “quyền đòi nợ” là một loại chứng khoán được phép đầu tư, từ đó các công ty quản lý quỹ có thể thành lập các quỹ chuyên xử lý nợ xấu, tương tự như nhiều nước.
Chi phí hoạt động cao
Môi trường hỗ trợ cho các quỹ hoạt động cũng đang bộc lộ những cái khó. Theo quy định hiện tại, các ngân hàng lưu ký chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các quỹ đầu tư với nhiều trách nhiệm, trong khi thực tế các ngân hàng đang gặp khó khăn trong thực thi các trách nhiệm này do hoạt động đầu tư của các quỹ đa dạng, phức tạp.
Tình trạng trên dẫn tới hoạt động giám sát không thực chất và tạo áp lực cho các ngân hàng giám sát, vì rủi ro hoạt động lớn, trong khi lợi nhuận từ thị trường quỹ nội địa chưa tương xứng. Số lượng báo cáo bắt buộc đối với ngân hàng giám sát khá nhiều, dẫn tới các ngân hàng bị quá tải trong công việc.
Hệ quả là đến nay, nhiều ngân hàng giám sát, lưu ký nước ngoài như HSBC, Deutsche Bank đã thu hẹp hoạt động tại Việt Nam. Các ngân hàng này không còn cung cấp dịch vụ cho các quỹ nội địa, mà chỉ còn Standard Chartered Bank Việt Nam và BIDV Hà Thành cung cấp dịch vụ cho các quỹ.
Việc có quá ít đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường dẫn đến chi phí hoạt động của quỹ tăng cao, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, nhiều rủi ro khi vận hành các quỹ lớn. Vì vậy, quy định pháp lý nên được sửa đổi theo hướng giảm gánh nặng trách nhiệm đối với các ngân hàng giám sát. Có như vậy mới khuyến khích sự phát triển của các đơn vị cung cấp dịch vụ quản trị quỹ, từ đó hỗ trợ cho ngành quỹ tiết kiệm chi phí hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, hấp dẫn nhà đầu tư.
Để tăng tính minh bạch thông tin cho ngành quỹ, ý kiến từ phía công ty quản lý quỹ đề xuất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm hình thành kênh cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết, có hệ thống về ngành quỹ Việt Nam, trong đó có thông tin về “sức khỏe” của các công ty quản lý quỹ, tổng tài sản quản lý của ngành quản lý quỹ, thị phần hoạt động các công ty quản lý quỹ.
Theo đó, các nhà phân tích, nhà đầu tư, các phương tiện thông tin đại chúng có cơ sở để đưa ra các phân tích, đánh giá về ngành, giúp khách hàng, nhà đầu tư có thông tin tham khảo để lựa chọn các công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư tốt để đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy ngành quản lý quỹ phát triển, nâng dần tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức và giảm rủi ro cho thị trường.