Các quy định liên quan đến việc giãn, hoãn thời gian ĐHCĐ

Các quy định liên quan đến việc giãn, hoãn thời gian ĐHCĐ

(ĐTCK) Doanh nghiệp phải xin phép hoặc thông báo cho ai, cơ quan nào nếu hoãn, giãn thời gian họp đại hội đồng cổ đông?

Nhiều ĐHCĐ, đến giờ bỏ phiếu, rất nhiều cổ đông đã ra về. Xin hỏi, khi ấy tỷ lệ biểu quyết tính như thế nào (trên số bỏ phiếu hay trên số tham dự ban đầu)?

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện để Nghị quyết ĐHCĐ được thông qua phải đảm bảo được số cổ đông đại diện ít nhất 65% hoặc 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, tùy thuộc từng vấn đề biểu quyết.

Như vậy, tỷ lệ biểu quyết tính trên số phiếu biểu quyết dự họp (số phiếu tán thành + số phiếu không tán thành + số phiếu không ý kiến+ số phiếu không hợp lệ + số phiếu không bỏ phiếu).

DN cần lưu ý, tạo điều kiện cho các cổ đông không tham dự được toàn bộ chương trình đại hội có thể bỏ phiếu trước khi ra về, hoặc áp dụng công nghệ hiện đại trong việc tổ chức ĐHCĐ, ĐHCĐ trực tuyến (biểu quyết, bầu cử trực tuyến) để cổ đông có thể thực hiện quyền, đóng góp ý kiến với những vấn đề quan trọng của DN, cũng như đảm bảo tỷ lệ cần thiết để thông qua đối với từng vấn đề biểu quyết.

Các quy định liên quan đến việc giãn, hoãn thời gian ĐHCĐ như thế nào, DN có phải xin phép hoặc thông báo cho ai, cơ quan nào?

Theo Khoản 2, Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 -Thẩm quyền triệu tập họp ĐHCĐ: “ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

Theo Khoản 8, Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2014 -Thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại ĐHCĐ: Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, “chủ tọa có quyền hoãn cuộc họp ĐHCĐ đã có đủ số người đăng ký dự họp theo quy định đến một thời điểm khác, hoặc thay đổi địa điểm họp trong các trường hợp sau đây:

a) Địa điểm họp không có đủ chỗ ngồi thuận tiện cho tất cả người dự họp;

b) Các phương tiện thông tin tại địa điểm họp không bảo đảm cho các cổ đông dự họp tham gia, thảo luận và biểu quyết;

c) Có người dự họp cản trở, gây rối trật tự, có nguy cơ làm cho cuộc họp không được tiến hành một cách công bằng và hợp pháp.

Thời gian hoãn tối đa không quá 03 ngày, kể từ ngày cuộc họp dự định khai mạc;”

Ngoài ra, DN nên chủ động công bố thông tin (UBCKNN, VSD và Sở GDCK trong trường hợp niêm yết, trên website công ty) về việc thay đổi, gia hạn hoặc hoãn thời gian tổ chức ĐHCĐ, cũng như dự kiến thời gian tổ chức để cổ đông nắm được, chủ động sắp xếp thời gian, công việc để có thể tham dự ĐHCĐ theo kế hoạch.

Tin bài liên quan