Ðộng thái xả hàng của các quỹ đầu tư diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu và “cuộc chiến” giá dầu đã tạo nên những cơn địa chấn trên các thị trường tài chính thế giới, trong đó có Việt Nam.
Mở đầu tháng 3, quỹ ngoại PYN Elite Fund thông báo không còn là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại DIC (DIC) khi bán ra 532.062 cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu giảm về 2,04%.
Trước đó, quỹ này giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Tasco (HUT) từ 10,02% xuống 9,83% (bán ra 500.000 cổ phiếu). Ước tính, PYN Elite Fund đã thu về hơn 2,8 tỷ đồng sau 2 giao dịch thoái vốn này.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Petri Deryng, Giám đốc PYN Elite Fund cho biết, Quỹ đã bán ra một số mã cổ phiếu vốn được nắm giữ ổn định trong thời gian dài, cộng với lượng tiền mặt mới gia tăng, tất cả số tiền này sẽ được dùng để mua vào các cổ phiếu đang có mức giá hấp dẫn.
“Rất nhiều cổ phiếu đã thu hút sự chú ý của tôi, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu nhóm này đã thể hiện rõ triển vọng tăng trưởng ổn định trong năm nay và cả những năm tới”, ông Petri Deryng chia sẻ.
Cùng có động thái bán ra đầu tháng 3, quỹ thành viên của nhóm quỹ VinaCapital là Vietnam Investment Limited đã bán 168.430 cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoá chất cơ bản miền Nam (CSV).
Sau giao dịch của quỹ thành viên, nhóm VinaCapital giảm tỷ lệ sở hữu tại CSV từ 12,13% (5,4 triệu cổ phiếu) xuống 11,75% (5,2 triệu cổ phiếu). Trước đó, ngày 18/2, Vietnam Investment Limited đã bán 87.160 cổ phiếu CSV.
Trong khi đó, quỹ thành viên Aquila SPC của nhóm Dragon Capital đã bán ra toàn bộ 226.000 cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Ðầu tư phát triển xây dựng (DIG), giảm khối lượng nắm giữ của nhóm tại DIG xuống 69,2 triệu đơn vị.
Trong tuần đầu tháng 3, Quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) có tuần bán ròng thứ hai liên tiếp, khiến tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục giảm từ 71,49% (ngày 28/2) xuống 70,97%.
Theo đó, tất cả các mã cổ phiếu Việt Nam có trong danh mục đều bị bán bớt, bao gồm VJC, BVH, MSN, VNM, VIC, VCB, GEX, VHM, NVL, SSI, ROS, TCH, VRE, HPG, SBT, POW.
Xét theo số lượng, POW và SBT bị bán nhiều nhất với gần 91.000 cổ phiếu và hơn 61.000 cổ phiếu. Các mã còn lại bị bán ra dưới 60.000 đơn vị.
Tính tới ngày 12/3, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF là 313 triệu USD, giảm 70,3 triệu USD so với ngày 2/3. Giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ là 11,63 USD, giảm 13,58% so với đầu năm.
Trong bối cảnh hiện tại, Vietnam Holding nhận định, mặc dù chưa rõ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam, cũng như những “đứt gãy” sẽ kéo dài trong bao lâu, nhưng thông thường, thị trường sẽ hồi phục nhanh chóng với niềm tin vào thị trường nội địa và sức hấp dẫn của chứng khoán Việt.
Sau dịch SARS năm 2003, Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác đã chứng kiến đồ thị chứng khoán hình chữ V với đà leo dốc ở mức kỷ lục và tình hình có thể diễn ra tương tự khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Việt Nam đã kết thúc năm 2019 ở một nấc thang mới, với quỹ dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục, phần nào làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các yếu tố trung hạn cho Việt Nam vẫn tốt, khi tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành một phần của chiến lược đa dạng hóa sản xuất.
Các nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc đã dời đến Việt Nam nhiều hơn, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư thêm các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đây là dấu hiệu tích cực cho lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Theo VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), tuy xuất hiện đà bán tháo trên thị trường, nhất là từ khối ngoại, nhưng thị trường Việt Nam không chịu cảnh rút vốn nặng nề như các thị trường khác trong khu vực.