Giao dịch được thực hiện từ ngày 19/2 đến ngày 8/3. Qua đó, VESAP đã nâng sở hữu tại PVS từ gần 1,69 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,35% lên 2,09 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,44%.
Trước đó, một quỹ đầu tư khác của VinaCapital cũng liên tiếp gom cổ phiếu PVS.
Cụ thể, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Kinh tế Hiện tại VinaCapital đã mua 27.730 cổ phiếu PVS từ ngày 16/1 đến 18/1; tiếp theo từ ngày 26/1 đến 2/2 mua thêm 20.000 cổ phiếu PVS và từ ngày 19/2 đến 4/3 tiếp tục mua 50.000 cổ phiếu PVS. Qua đó, tổ chức này đã nâng sở hữu tại PVS lên 127.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,03%.
Mặt khác, từ ngày 19/2 đến ngày 19/3, CTCP Quản lý quỹ VinaCapital đăng ký mua 150.000 cổ phiếu PVS nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Hiện tổ chức này đang nắm giữ 117.000 cổ phiếu PVS, tỷ lệ 0,02%.
Về diễn biến cổ phiếu PVS, trong những phiên gần đây giao dịch khá khởi sắc. Đóng cửa phiên 14/3, cổ phiếu PVS tăng 2,44% lên 37.800 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ đạt gần 18,2 triệu đơn vị, hơn gấp đôi mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây.
Như vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu PVS hiện tại gần như đi ngang; tuy nhiên nếu so với thời điểm cách đây khoảng 1 năm thì đã tăng hơn gấp rưỡi.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2023, PVS ghi nhận 19.349 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18% so với 2022. Song do giá vốn và các chi phí đồng loạt tăng, lãi ròng doanh nghiệp giảm 14%, về còn 899 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ mang về 866 tỷ đồng. So với kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ 2023, Công ty đã vượt gần 47% mục tiêu doanh thu và xấp xỉ 61% kế hoạch lãi sau thuế cả năm.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PVS đạt 26.401,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp sở hữu hơn 3.194 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng; 2.129 tỷ đồng các khoản tương đương tiền.
Ở bên kia bảng cân đối, Công ty còn 13.017,5 tỷ đồng nợ phải trả, tăng nhẹ so với đầu năm. Riêng vay nợ ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 1.176 tỷ đồng và 563,9 tỷ đồng.