Các quốc gia thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu

Các quốc gia thành viên IEA đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tất cả 31 quốc gia thành viên đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược để phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường dầu rằng sẽ không có tình trạng thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng từ xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra quyết định tại một cuộc họp bất thường của các bộ trưởng năng lượng do Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm chủ trì. Ngoài Mỹ, các thành viên khác của tổ chức bao gồm Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Canada.

Các thành viên IEA có trong kho dự trữ 1,5 tỷ thùng dầu. Lượng giải phóng lên tới 4% lượng dự trữ, tương đương khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày trong 30 ngày.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Tình hình thị trường năng lượng đang rất nghiêm trọng và đòi hỏi sự chú ý của chúng tôi. An ninh năng lượng toàn cầu đang bị đe dọa, khiến nền kinh tế thế giới gặp rủi ro trong giai đoạn phục hồi mong manh”.

Nga đóng vai trò vượt trội trên thị trường năng lượng toàn cầu với tư cách là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới. Nước này xuất khẩu 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại dầu toàn cầu. Trong đó, khoảng 60% lượng dầu đến châu Âu và 20% khác đến Trung Quốc.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá dầu tăng vọt hôm thứ Ba (1/3), trong đó giá dầu WTI vượt 100 USD/thùng, lên mức giá cao nhất kể từ năm 2014. Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây chấn động thị trường trên toàn cầu và làm tăng thêm nỗi lo về tăng trưởng kinh tế khi đối mặt với lạm phát gia tăng và các kế hoạch tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương.

Cho đến nay, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu lên Nga đã không cấm xuất khẩu dầu hoặc khí đốt và bao gồm các ngoại lệ đối với các giao dịch thanh toán cho dầu và khí đốt. Các nhà lãnh đạo phương Tây không muốn hạn chế xuất khẩu dầu của Nga vào thời điểm thị trường năng lượng toàn cầu bị thắt chặt và giá cao đang thúc đẩy lạm phát ở các nền kinh tế phát triển.

Đây là lần thứ tư trong lịch sử IEA thực hiện một đợt phối hợp để giải phóng kho dự trữ kể từ khi các nguồn dự trữ được thiết lập sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào năm 1974.

Vào tháng 11/202, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo phối hợp giải phóng 50 triệu thùng dầu với các nước nhập khẩu năng lượng khác nhưng biện pháp này chỉ có tác động thoáng qua đối với giá dầu và giá dầu đã tiếp tục tăng.

Tin bài liên quan