Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Ý Mario Draghi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến về cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, tại Villa Pamphilj ở Rome, Ý, ngày 21/5/2021

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Ý Mario Draghi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến về cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, tại Villa Pamphilj ở Rome, Ý, ngày 21/5/2021

Các quốc gia giàu có đang cố gắng giải quyết sự bất bình đẳng về vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tại Hội nghị thượng định G20 hôm thứ Sáu (21/5), các nhà sản xuất dược phẩm lớn và các nhà lãnh đạo các quốc gia giàu có cho biết đã phải đối mặt với sự mất cân bằng toàn cầu trong việc chống lại Covid-19 và đưa ra cam kết lớn về việc cung cấp vắc xin giá rẻ cho các quốc gia nghèo hơn.

Các chiến dịch tiêm chủng đại trà được tài trợ bởi phương Tây đang giúp phương Tây và những nước khác giảm thiểu tình trạng lây nhiễm nhưng rất ít vắc xin đến được các quốc gia nghèo hơn và dẫn đến cáo buộc "phân biệt chủng tộc bằng vắc xin".

“Hơn 80% vắc xin đầu tiên đến các quốc gia giàu có so với chỉ 0,2% ở các quốc gia có thu nhập thấp”, Bill Gates cho biết tại hội nghị thượng đỉnh G20.

“Nếu chúng ta không thu hẹp khoảng cách lớn này, sẽ có thêm nhiều người tử vong. Có hai hành động ngay lập tức mà các quốc gia có thể thực hiện: chia sẻ USD và vắc xin", Bill Gates cho biết.

Theo một tuyên bố chung, Hội nghị thượng đỉnh nhằm kêu gọi cấp phép tự nguyện và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sản xuất vắc xin, nhưng không đề cập tới sự thúc đẩy của Mỹ và các quốc gia khác về việc từ bỏ các bằng sáng chế vắc xin.

Liên minh châu Âu đã cam kết đầu tư 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) để thiết lập các trung tâm sản xuất vắc xin ở châu Phi.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Pfizer và BioNTech cũng cam kết cung cấp 1 tỷ liều vắc xin giảm giá trong năm nay cho các quốc gia nghèo hơn.

Chủ tịch của Pfizer, Albert Bourla cũng cho biết tại hội nghị thượng đỉnh rằng sẽ có 1 tỷ liều vắc xin khác sẽ được cung cấp vào năm tới.

Johnson & Johnson đã cam kết 200 triệu liều vắc xin cho COVAX - chương trình chia sẻ vắc xin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng dẫn đầu.

"Khi chúng ta chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, ưu tiên của chúng ta phải là đảm bảo rằng tất cả chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch hiện tại. Chúng ta phải tiêm chủng cho thế giới và làm điều đó thật nhanh", Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết viện trợ 3 tỷ USD trong 3 năm tới để giúp các nước đang phát triển phục hồi sau đại dịch và đề xuất thiết lập một diễn đàn quốc tế để thúc đẩy phân phối vắc xin công bằng.

Mặc dù tổng thống Joe Biden không nằm trong số các diễn giả phát biểu tại hội nghị, chính quyền Biden đã ủng hộ lời kêu gọi từ nhiều nước đang phát triển về việc từ bỏ bằng sáng chế cho vắc xin Covid-19 với hy vọng sẽ thúc đẩy sản xuất và cho phép phân phối công bằng hơn.

Tuy nhiên, tuyên bố này cuối cùng đã không đề cập đến trong hội nghị. Vấn đề này đã gây tranh cãi bởi một số quốc gia châu Âu và thay vào đó kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại của Mỹ mà họ coi là nút thắt chính ngăn cản sự gia tăng sản xuất vắc xin.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các thỏa thuận toàn cầu hiện có đã cho phép các quốc gia buộc các công ty chia sẻ giấy phép sản xuất vắc xin trong trường hợp khẩn cấp.

Bà nói thêm rằng EU sẽ đưa ra đề xuất để tạo điều kiện sử dụng các điều khoản đó và châu Âu sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho các quốc gia nghèo hơn vào cuối năm nay, trong đó có 30 triệu liều từ Pháp và Đức.

Trong tuyên bố của mình, các nhà lãnh đạo thế giới lưu ý tầm quan trọng của ACT-Accelerator, một công cụ của WHO để phân phối vắc xin, thuốc và xét nghiệm Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vượt qua những kỳ vọng ban đầu, tuyên bố không bao gồm cam kết rõ ràng về việc tài trợ toàn bộ cho chương trình và nguồn vốn vẫn còn thiếu 19 tỷ USD.

Mặc dù các nhà lãnh đạo nhất trí rằng một lựa chọn để giúp các quốc gia nghèo hơn là chia sẻ vắc xin mà các quốc gia giàu có đã mua, nhưng không có cam kết chắc chắn về điều này trong văn bản cuối cùng.

Tin bài liên quan