“Tài sản tại các thị trường mới nổi thường được nhà đầu tư mua với số lượng lớn, nhưng thực tế, không phải nền kinh tế nào cũng sẽ tiếp tục thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh này, châu Á là tâm điểm nổi bật bởi cả yếu tố chính trị và kinh tế đều có dấu hiệu tích cực, trong khi Mỹ Latin, châu Âu và Trung Đông đều đang gặp rắc rối với các vấn đề địa chính trị”, Tsutomu Soma, nhà quản lý bộ phận Tư vấn tài chính độc lập của SBI Securities Co tại Tokyo cho biết.
Trong biểu đồ là số liệu về màn biểu diễn của 22 nền kinh tế đang phát triển trong năm 2018, theo Moody’s Investors Service. Theo đó, các nền kinh tế châu Á đều nắm giữ những vị trí nổi bật, chứng tỏ sức hút của mình đối với dòng tiền đầu tư quốc tế, ngay cả khi các thị trường mới nổi sẽ chịu tác động từ quá trình thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới.
Tài khoản vãng lai
Theo Moody’s, trong số 22 nền kinh tế đang phát triển, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc đang có thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất, vượt trên 5% GDP. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang thâm hụt mạnh nhất, với con số 4,5% GDP năm 2018.
Divya Devesh, chiến lược gia tiền tệ châu Á tại Sandard Chartered Plc cho biết, mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hàm ý nền kinh tế gặp hạn chế trong tìm nguồn tài chính để thực hiện nhập khẩu và đầu tư một cách bền vững và ngược lại với thặng dư tích cực. Do đó, các nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai cùng quỹ dự trữ ngoại tệ lớn sẽ có màn biểu diễn ấn tượng hơn trong bối cảnh các thị trường tài chính có nhiều bất ổn.
Sức mạnh quỹ dự trữ
Các quốc gia với quỹ dự trữ dồi dào sẽ đứng vững vàng hơn trước các cú sốc từ thị trường bên ngoài, đồng thời tạo niềm tin cho giới đầu tư khi nắm giữ tài sản tại đây. Trong số 22 nền kinh tế đang phát triển, Peru, Nga, Thái Lan, Philippines là những cái tên đứng đầu với quỹ dự trữ ở trạng thái mạnh nhất. Trong khi đó, 4 vị trí cuối thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Argentina và Nam Phi.
Theo các chuyên gia của Moody’s, các quốc gia phải phụ thuộc vào nguồn tài chính từ bên ngoài biên giới để bảo hộ cho các khoản nợ nói chung như Argentina và Nam Phi sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn khi dòng tiền đầu tư dừng lại đột ngột hoặc quá trình tháo chạy của dòng vốn diễn ra.
Với chỉ tiêu này, các quốc gia châu Á cho thấy sự ổn định khi được xếp ở thứ hạng cao, trong đó có Thái Lan, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia.
Vị thế tài chính
Việc quan sát vị thế tài chính của các quốc gia có thể đưa ra những tín hiệu cho các nhà đầu tư trái phiếu. Theo số liệu của Moody’s, trong 22 nền kinh tế, chỉ có Cộng hòa Séc và Hàn Quốc là đang trong tình trạng thặng dư. Trong khi đó, Brazil là quốc gia thâm hụt ngân sách lớn nhất, ở mức 8% GDP năm 2018.
Trong tương quan giữa các nền kinh tế, các quốc gia châu Á vẫn ở vị thế tốt hơn, khi thâm hụt ngân sách ở mức thấp hơn so với các quốc gia Mỹ Latin và châu Âu. Trong đó, nổi bật là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malyasia.