Chủ tịch HĐQT một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, kết quả kinh doanh trong năm qua của ngân hàng ông không như kỳ vọng, chỉ đạt được 40% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra, do trích dự phòng cao khi nợ xấu đến cuối năm tăng trên mức 3%. Còn dư nợ tín dụng chỉ đạt 9%.
Đánh giá về tình hình hoạt động năm 2014, vị Chủ tịch HĐQT trên cho rằng, sẽ có nhiều điểm sáng hơn so với năm 2013, nhất là khi nợ xấu đã phần nào được xử lý thông qua VAMC, trong khi bản thân các ngân hàng cũng rà soát các khoản nợ xấu để bán cho VAMC. Bên cạnh đó, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm dần theo xu hướng giảm dần của lạm phát…
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế vẫn khó khăn, nợ xấu không ngừng phát sinh từ khoản vay cũ. Vì thế, vị Chủ tịch ngân hàng trên cho rằng, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng chưa hẳn dễ dàng. Bởi một khi kinh tế khó khăn, tồn kho và sức mua chưa cải thiện, dù lãi suất ngân hàng giảm, DN vẫn không muốn vay.
Do đó, kế hoạch lợi nhuận cho năm 2014 cũng được vị Chủ tịch HĐQT nhà băng trên cho biết, chỉ đưa ra chỉ tiêu như năm 2013 là 300 tỷ đồng.
Tổng giám đốc DongA Bank, ông Trần Phương Bình cũng cho hay, năm nay, Ngân hàng cũng phải cân nhắc kỹ khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận, do tình hình thị trường còn có những khó khăn nhất định. Theo ông Bình, nợ xấu hiện đã được kiểm soát phần nào, nhưng cái khó nhất trong bối cảnh hiện nay chính là ngân hàng không dễ để nhận diện được rủi ro từ phía khách hàng. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải trích dự phòng cao. Đáng chú ý là với các quy định của Thông tư 02, dự kiến chính thức áp dụng vào tháng 6 tới, nợ xấu của hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tăng lên, trích lập dự phòng cao hơn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của ngân hàng. Năm 2013, DongA Bank cũng chỉ đạt 50% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho cả năm (1.000 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, kinh tế 2014 nói chung và thị trường tài chính ngân hàng nói riêng sẽ dần đi vào ổn định so với giai đoạn vừa qua, nhưng chưa kỳ vọng đột biến trong năm 2014. Bởi một số ngành, lĩnh vực còn trì trệ, sẽ mất nhiều năm để có thể phát triển trở lại. Vì thế, chiến lược trong năm 2014 của OCB là tiếp tục những bước đi trong chiến lược phát triển giai đoạn 2013 - 2015, ứng dụng mô hình kinh doanh mới, hoàn thiện khung quản trị rủi ro và định hình khách hàng mục tiêu cho từng đơn vị và khối kinh doanh. Trong đó, OCB lấy khách hàng SMEs và khách hàng cá nhân làm mục tiêu thông qua các giải pháp sáng tạo và đem lại giá trị thực cho khách hàng.
“Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay của OCB sẽ không thay đổi so với năm 2013”, ông Tùng nói và cho rằng, hiện chênh lệch lãi suất giữa huy động - cho vay chỉ còn khoảng 1 - 1,5%/năm, nhưng với tình hình hiện nay, lãi suất cho vay được dự kiến sẽ giảm thêm khoảng 1 - 1,5%/năm để kích cầu tín dụng, trong khi chi phí đầu vào không thể cắt giảm để giữ nguồn tiết kiệm, thì lãi biên trong cho vay tín dụng của ngân hàng sẽ còn co hẹp hơn.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngọc Tâm cũng cho hay, khả năng nhu cầu tín dụng của khách hàng trong năm nay sẽ được cải thiện theo hướng tích cực hơn. Trong đó, nhóm khách hàng cá nhân vay tiêu dùng và mua nhà được kỳ vọng góp phần giúp tín dụng tăng trưởng, do lãi suất cho vay giảm và giá nhà đất cũng xuống sát hơn với mức chi trả của đa số người dân, đặc biệt là với gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Tâm, đối với khách hàng doanh nghiệp, nhu cầu vốn chưa thể kỳ vọng đột biến nhiều trong năm 2014.
Đó cũng chính là lý do được ông Tâm cho biết, NamA Bank sẽ cân nhắc về chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay. Năm 2013, do tình hình khó khăn chung của thị trường, NamA Bank cũng chỉ đạt được 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cả năm là 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.