Thế giới vừa chứng kiến ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 thứ 60 triệu chỉ hơn 1 năm kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc).
Tuy nhiên, một tín hiệu tốt là hàng loạt các loại vaccine Covid-19 đã được công bố cho kết quả thử nghiệm rất khả quan. Đây là cơ sở để các nước quyết định đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sớm.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết, Mỹ có thể bắt đầu phân phối các loại vaccine ngừa Covid-19 ngay sau ngày 10/12.
“Chúng tôi hy vọng vào cuối tháng 12 sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất. Vào cuối tháng 1, chúng tôi sẽ có đủ vaccine để tiêm phòng cho những người cao tuổi cũng như các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Và sau đó, khi vaccine được sản xuất nhiều hơn, đến quý 2 năm tới, chúng tôi tin rằng sẽ có đủ vaccine tiêm chủng cho tất cả người dân có nhu cầu”, ông Alex Azar nói.
Giám đốc điều hành chiến dịch thần tốc (Warp Speed) nhằm bào chế vaccine phòng Covid-19 của chính phủ, ông Gustave Perna thông báo, 64 khu vực của Mỹ, trong đó có 50 bang và các vùng lãnh thổ đã nhận được thông báo về số liều vaccine được phân bổ theo quy mô dân số.
Chính quyền liên bang sẽ đưa ra khuyến nghị về các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine như người cao tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, song chính quyền địa phương sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Dự kiến, trong khoảng 40 triệu liều vaccine, có 6,4 triệu liều vaccine do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất sẽ được phân phối ngay trong tuần đầu tiên sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Một ủy ban của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến nhóm họp vào ngày 10/12 tới để quyết định liệu có “bật đèn xanh” cho vaccine của Pfizer/BioNTech hay không.
Trước những những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vaccine ngừa Covid-19, chính phủ các nước Pháp, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine này từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Ban đầu các nước này sẽ sử dụng vaccine do các hãng nước ngoài sản xuất như AstraZeneca có trụ sở tại Anh và vaccine của hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) liên danh. Sau đó, sẽ đầu tư để có thể sản xuất vaccine nội địa. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người lớn tuổi, sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Trước những thông tin lạc quan về vaccine ngừa COVID-19, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Với những tin tức tích cực mới nhất từ các cuộc thử nghiệm vaccine, thì đây như ánh sáng cuối đường hầm dài và tăm tối. Hiện có hy vọng rằng, rằng cùng với các biện pháp y tế cộng đồng khác, các loại vaccine ngừa Covid-19 được công bố gần đây sẽ giúp chấm dứt đại dịch này”.
Như vậy, dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa Đông và mùa Xuân sắp tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19.