Việt Nam không phải đất nước duy nhất ở châu Á có tục lì xì.
Theo China Highlights, tại Trung Quốc, người lớn lì xì con cái ít nhất 100 yuan (hơn 330.000 đồng). Trong những gia đình giàu, đứa trẻ có thể nhận từ 2.000 đến 10.000 tệ. Đối với các cháu hoặc con cái bạn bè và đồng nghiệp, người Trung Quốc thường mừng tuổi 50-200 tệ.
Khi lì xì, người Trung Quốc không bỏ tiền xu vào phong bao mà chỉ sử dụng tiền giấy. Họ coi số "4" xui xẻo nên kiêng mừng tuổi 40 hoặc 400 tệ. Những khoản tiền có số "8" được cho là may mắn hơn.
Lúc nhận xì xì, trẻ con phải đưa cả hai tay và nói cảm ơn. Ngoài ra, chúng không được phép mở phong bao trước mặt người tặng.
Những năm gần đây, nhờ Internet phát triển và smartphone ngày càng phổ biến, Trung Quốc có dịch vụ mừng tuổi trực tuyến. Người nhận sẽ nhìn thấy số tiền được "gói" trong phong bao đỏ trên màn hình.
Dù không ăn Tết âm, Nhật Bản vẫn có tục lì xì, gọi là otoshidama. "Từ ngày 1/1 đến 3/1, người lớn sẽ mừng tuổi trẻ con trong nhà", Shimpei Morita 24 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Tokyo cho biết
Số tiền phụ thuộc vào tuổi của người nhận. Ví dụ, trẻ trước tuổi đi học được 2.000 yen (tương đương 400.000 đồng), trẻ học tiểu học được 3.000 yen, trẻ học cấp hai được 5.000 yen. Những em bé chưa hiểu giá trị tiền có thể được tặng đồ chơi.
Số tiền mừng tuổi lớn hay nhỏ cũng dựa trên mối quan hệ giữa người tặng và người nhận. "Có gia đình mừng tuổi con tới hơn 100.000 yen (tương đương 20 triệu đồng)", Haruka Tsutsumi 28 tuổi, nhân viên văn phòng hiện sống ở Hà Nội tiết lộ.
Độ tuổi được lì xì ở Nhật cũng không thống nhất. Shimpei nhận mừng tuổi từ 6 đến 21 tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp đến 35 tuổi vẫn được lì xì do còn thất nghiệp.
Cách sử dụng lì xì cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào mỗi gia đình. Ví dụ, mẹ của Shimpei cho con giữ 50% số tiền. Trong khi đó, mẹ của Haruka cầm cả.
Một số nhà khác dùng tiền mừng tuổi để mua cho con những món đắt tiền như trò chơi điện tử hoặc smartphone.
"Đặc biệt, người Nhật chỉ lì xì trẻ em trong gia đình thôi", Haruka lưu ý thêm.
Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chia số tiền lì xì theo độ tuổi, càng lớn càng được mừng tuổi nhiều. Dịp Tết nguyên đán, bố mẹ sẽ mừng tuổi (sebaedon) con cái, sau khi chúng cúi chào theo kiểu truyền thống.
Theo Naver, thông thường, trẻ 0-3 tuổi nhận từ 3.000 đến 5.000 won (60.000 - 99.000 đồng) hoặc quà tặng, trẻ 4-7 tuổi nhận 5.000 - 10.000 won, trẻ 8-13 tuổi nhận 10.000 - 30.000 won, trẻ 14-16 tuổi nhận 30.000 - 50.000 won, thanh niên 17-19 tuổi nhận 50.000 won.
Ở Singapore, trang CNA khuyên số tiền lì xì nên dựa trên độ tuổi trẻ em và thông điệp người lớn muốn gửi gắm.
Tốt nhất, chỉ nên mừng tuổi trong khoảng từ 20 đến 100 SGD (khoảng 340.000 - 1.715.000 đồng). Tuy vậy, một khảo sát chỉ ra 33% trong hơn 1.400 người tham gia lì xì cho trẻ con ít nhất 10 SGD (hơn 170.000 đồng), 21% mừng tuổi 8 SGD, 21% chỉ chi 2 SGD và 15% chọn 5 SGD.
CNA lưu ý nếu đứa trẻ còn quá nhỏ, người lớn chỉ nên đưa một khoản tượng trưng. Đối với đứa trẻ đã đủ hiểu biết, tiền lì xì sẽ trở thành tiền tiêu vặt, giúp chúng học cách chi tiêu hợp lý. Ngoài ra, nếu có nhiều hơn một con, phụ huynh nên lì xì mọi đứa trẻ như nhau.