Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “nổ phát súng” đầu tiên với hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế bao gồm việc đưa lãi suất về 0, bơm 700 tỷ USD vào thị trường trái phiếu. Sau khi thị trường đóng cửa hôm thứ Tư (18/3), Fed bổ sung thêm thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống tài chính Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị công bố gói hỗ trợ tài chính cho công dân và doanh nghiệp Mỹ.
Tiếp sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối ngày thứ Tư đưa ra cam kết sẽ chi 750 tỷ euro (800 tỷ USD) để mua trái phiếu. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong ngày thứ Năm (19/3) cũng đã quyết định giảm lãi suất xuống 0,1% và đẩy mạnh việc mua trái phiếu.
Những động thái trên giúp giới đầu tư lấy niềm tin trước nỗi lo suy thoái đang gia tăng, qua đó giúp phố Wall đảo chiều tăng trở lại. Tuy nhiên, mức biến động của các chỉ số chính trong phiên thứ Năm không còn mạnh như các phiên trước, cho thấy tâm lý nhà đầu tư phần nào đã ổn định hơn.
Theo cuộc thăm dò của Reuters, gần 76% ý kiến của các nhà kinh tế tại châu Mỹ và châu Âu trả lời dự báo, kinh tế thế giới sẽ suy thoái.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Dow Jones tăng 188,27 điểm (+0,95%), lên 20.087,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,29 điểm (+0,47%), lên 2.409,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 160,73 điểm (+2,30%), lên 7.150,58 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch giằng co nhưng cuối cùng đóng cửa hồi phục khá tốt trong ngày thứ Năm nhờ các gói kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 71,03 điểm (+1,4%), lên 5.151,61 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 168,72 điểm (+2,00%), lên 8.610,43 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 100,67 điểm (+2,68%), lên 3.855,50 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục bị bán tháo mạnh, trong đó chứng khoán Hàn Quốc lao dốc tới hơn 8%, còn các thị trường khác may mắn hãm bớt đà rơi trong những phút cuối phiên nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế mạnh hơn sẽ được Trung Quốc đưa ra trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 19/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 173,72 điểm (-1,68%), xuống 16.552,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,63 điểm (-0,98%), xuống 2.702,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 582,69 điểm (-2,61%), xuống 21.709,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 133,56 điểm (-8,39%), xuống 1.457,64 điểm.
Giá vàng tiếp tục có phiên giảm trong ngày thứ Năm, nhưng đà giảm cũng được hãm lại khi tín hiệu phát đi từ các thị trường khác như chứng khoán, dầu thô hồi phục, cho thấy đà bán tháo trên thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu đã dừng lại.
Kết thúc phiên 19/3, giá vàng giao ngay giảm 14,7 USD (-0,99%), xuống 1.471,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,4 USD (+0,09%), lên 1.479,3 USD/ounce.
Niềm tin từ các gói kích thích kinh tế cũng giúp giá dầu thô hồi phục trở lại sau khi xuống mức thấp nhất 18 năm trong phiên trước đó. Thậm chí, giá dầu thô Mỹ trong phiên thứ Năm còn ghi nhận phiên tăng giá theo phần trăm tốt nhất lịch sử.
Kết thúc phiên 19/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 4,85 USD (+23,81%), lên 25,22 USD/thùng, thậm chí có lúc giá loại dầu này tăng tới 35%. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 3,59 USD (+14,43%), lên 28,47 USD/thùng.