Hôm 4/10, OPEC+ tuyên bố, sẽ tuân thủ hiệp ước hiện có về tăng dần nguồn cung dầu.
OPEC+ cho biết, họ đã "xác nhận lại kế hoạch điều chỉnh sản lượng" trong một tuyên bố được công bố ngay sau cuộc hội đàm cấp bộ trưởng diễn ra tương đối nhanh chóng. Điều này liên quan đến quyết định đã được thống nhất trước đó là bổ sung 400.000 thùng/ngày vào thị trường trong tháng 11.
Quyết định của OPEC+ về chính sách sản xuất đã được nhiều người mong đợi, mặc dù một số người hy vọng rằng, dưới áp lực từ Mỹ và Ấn Độ trong việc kiềm chế giá dầu tăng cao có thể đủ để thuyết phục nhóm cung cấp thêm nguồn cung ra thị trường.
Tamas Varga, nhà phân tích cấp cao tại PVM Oil Associates cho biết: “Thị trường đang tràn đầy niềm tin hôm thứ Ba (5/10). Câu hỏi đặt ra là liệu sự lạc quan này có chính đáng hay không”.
Vào tháng 7, OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/tháng cho đến ít nhất là tháng 4/2022 để nâng dần lên bù đắp toàn bộ 5,8 triệu thùng/ngày trong việc cắt giảm theo cam kết trước đó.
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi từ đại dịch Covid-19 nhanh hơn nhiều người mong đợi, trong khi nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn do thời tiết và đầu tư thấp.
Trong khi giá dầu Brent giao dịch trên 80 USD/thùng “có thể cảm thấy khó chịu”, nhà phân tích Varga cho biết, “giá dầu chỉ cao một cách khó chịu cho đến khi đợt không khí lạnh đầu tiên đến Bắc Bán cầu, tạo ra nhu cầu bổ sung và kích hoạt một đợt mua thêm dầu”.
Giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng?
Chính quyền Tổng thống Biden trước đây đã kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng để giải quyết giá xăng dầu đang tăng vọt. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát gia tăng có thể làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19.
Ấn Độ cũng đã thúc đẩy OPEC xem xét tăng thêm nguồn cung để đảm bảo giá cả phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Kieran Clancy, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics thừa nhận, OPEC+ đang chịu áp lực ngày càng lớn để tăng nguồn cung ra thị trường nhanh hơn.
“Chúng tôi cho rằng việc họ từ chối làm như vậy có nghĩa là thị trường vẫn thâm hụt trong quý IV và giá dầu sẽ tiếp tục tăng ít nhất là trong thời gian còn lại của năm nay. Nhưng, có lẽ câu hỏi quan trọng hơn là liệu OPEC+ có thể đạt được những mục tiêu ít tham vọng hơn hay không”, nhà kinh tế Kieran Clancy cho biết.
“Mức tăng sản lượng theo kế hoạch vào tháng 8 của OPEC chỉ bằng một nửa cam kết, phần lớn là do gián đoạn hoạt động ở Angola và Nigeria. Nếu sản lượng tiếp tục không đạt so với mục tiêu của nhóm, giá dầu có thể vẫn ở mức cao trong năm tới”, nhà kinh tế Kieran Clancy cho biết.
Tháng 9, các nhà phân tích tại Bank of America Global Research đưa ra mục tiêu giá dầu là 100 USD/thùng nếu nhiệt độ lạnh hơn dự kiến trong mùa Đông. Theo các nhà phân tích, viễn cảnh này có thể thúc đẩy nhu cầu tăng vọt và làm thâm hụt nguồn cung lớn hơn.
Trong khi đó, các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo giá dầu Brent cuối năm nay lên 90 USD/thùng, tăng từ mức dự báo trước đó 80 USD/thùng do nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự đoán.
Các nhà phân tích năng lượng tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết: “Các thành viên OPEC dường như không xem giá tăng là một vấn đề quan trọng hiện nay. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu hàng đầu Ả Rập Xê Út đã bắt đầu giảm giá bán chính thức cho các khách hàng cốt lõi của mình, điều này có khả năng giảm bớt lo ngại về việc giá dầu Brent tương lai leo lên hoặc trên 80 USD/thùng”.
Về phía nhu cầu, các nhà phân tích năng lượng tại Eurasia Group cho biết, suy thoái công nghiệp của Trung Quốc, sự sụp đổ của gã khổng lồ bất động sản Evergrande, áp lực lạm phát gia tăng và sự gián đoạn sản xuất do Covid-19 trên toàn thế giới đều có thể làm suy yếu tăng trưởng nhu cầu dầu trong 12 tháng tới.
Trong thời gian tới, một mùa Đông lạnh giá lặp lại trên khắp Bắc bán cầu "có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng lớn ở nhiều trung tâm công nghiệp hàng đầu", các nhà phân tích năng lượng tại Eurasia Group cho biết.
Eurasia Group dự báo giá dầu Brent có thể đạt mức 75 USD/thùng vào cuối năm và dự kiến sẽ giảm xuống 67 USD/thùng trong năm tới.