Các nhà máy Trung Quốc đối mặt áp lực suy giảm sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc đang đối mặt với áp lực suy giảm "khá lớn" trong quý I/2022.
Công nhân làm việc bên dây truyền lắp ráp xe tải của nhà máy ô tô JAC, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc bên dây truyền lắp ráp xe tải của nhà máy ô tô JAC, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Vấn đề này được ông Luo Junjie, người phát ngôn Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc nêu ra với báo giới hôm 20/1. Ông Luo Junjie cho rằng, nền sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn chưa phục hồi vững chắc do đại dịch toàn cầu, trong khi tăng trưởng thương mại suy yếu và sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và các yếu tố khác.

Trước tình hình Covid-19 đã lây lan nhiều nơi, ông Luo Junjie nhận định: "Trong quý đầu năm nay, nền sản xuất công nghiệp vẫn đối mặt với áp lực suy giảm khá lớn".

Tuần trước, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley đã hạ 40 điểm cơ bản dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý I/2022 xuống còn 4,5%.

Kể từ cuối tháng 12/2021, với sự thâm nhập của biến thể Omicron vào Trung Quốc, chính quyền địa phương Trung Quốc đã áp dụng nhiều đợt phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, Tian Yulong, kỹ sư trưởng kiêm một người phát ngôn của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đánh giá rằng các đợt phong tỏa chống dịch gần đây sẽ chỉ tác động ngắn hạn và ở mức hạn chế tới các chuỗi cung ứng.

Đầu tuần này, Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP quý IV/2021 đạt 4%, vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định trong quý IV cũng vượt dự báo. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ lại sụt giảm và Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc một lần nữa cảnh báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu "áp lực nhân ba" từ nhu cầu sụt giảm, cú sốc nguồn cung, và kỳ vọng suy giảm.

Ông Luo Junjie cho rằng mặc dù tình hình thiếu hụt chất bán dẫn đã thuyên giảm, nhưng nguồn cung sẽ vẫn eo hẹp trong một thời gian.

Trong năm 2021, sản lượng chất bán dẫn của Trung Quốc tăng 33% so với năm trước. Riêng sản lượng chip tháng 12/2021 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 29,9 tỷ đơn vị, theo dữ liệu chính thức được công bố đầu tuần. Còn sản lượng ô tô tháng 12/2021 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái; đáng nói đây là mức tăng trưởng sản lượng đầu tiên của ngành ô tô kể từ tháng 4.

Kể từ dịch Covid-19 năm 2020, chính quyền địa phương Trung Quốc đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp phong tỏa nhiều thành phố, khu chung cư hoặc thậm chí các tòa nhà văn phòng để ngăn chặn dịch lây lan.

Thực hiện chính sách chống dịch không khoan nhượng Zero-Covid đã giúp Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát sự bùng phát Covid-19 trên toàn quốc và duy trì sản xuất.

Cho đến nay, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn là các nhà máy. Phân tích từ Citi chỉ ra rằng: "Hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc dường như đã chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược trong bối cảnh xuất hiện nhiều đợt bùng phát Covid-19 trên thế giới".

"Việc Trung Quốc ngăn chặn Covid-19 một cách hiệu quả đã giúp các nhà máy của họ nhanh chóng phục hồi sản xuất", Xiaowen Jin, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Citi đánh giá.

Tuy nhiên, với khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron, rất có thể việc thực hiện chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ trở nên tốn kém hơn trong khi lợi ích thu được lại giảm đi, theo Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn tài chính Nomura.

Tin bài liên quan