Các nhà kinh tế: Nga và Trung Quốc khó có thể "phi đô la hóa"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của Nga nhằm chống lại ưu thế của đồng USD khó có thể thành công, ngay cả khi đồng nhân dân tệ đang thách thức đồng bạc xanh để trở thành một đồng tiền dự trữ thay thế.
Các nhà kinh tế: Nga và Trung Quốc khó có thể "phi đô la hóa"

Sau khi bị phương Tây trừng phạt, Nga đã tuyên bố sẽ "phi đô la hóa" nền kinh tế của mình với các biện pháp bao gồm tránh xa tiền tệ từ các quốc gia "không thân thiện" và lên kế hoạch tạo ra một loại tiền dự trữ mới với Trung Quốc để thách thức vị thế của đồng đô la, đồng tiền hàng đầu của thương mại toàn cầu.

Năm ngoái, Nga tuyên bố sẽ hợp tác với các quốc gia thuộc BRICS khác (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) để phát triển một loại tiền dự trữ thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực nhằm lật đổ đồng bạc xanh khỏi vị trí cao nhất trên thị trường quốc tế là vô ích, và cả đồng rúp của Nga cũng như bất kỳ động thái nào nhằm thúc đẩy đồng tiền dự trữ mới với Trung Quốc sẽ tạo ra một thách thức đáng kể.

Jay Zagorsky, một nhà kinh tế từ Đại học Boston cho biết, một trong những vấn đề chính của Nga là nền kinh tế của nước này vốn gắn liền với đồng đô la thông qua thương mại dầu mỏ. Dầu thô là một trong những nguồn doanh thu chính của Nga và các giao dịch được thực hiện phần lớn bằng đồng đô la Mỹ.

Trong khi đó, những nỗ lực trước đây nhằm tạo ra một đồng tiền dự trữ chung, chẳng hạn như các kế hoạch gần đây giữa Brazil và Argentina thường thất bại, đặc biệt là khi các quốc gia đối tác có nền kinh tế không đồng đều.

"Nga là một nền kinh tế mong manh và họ đang bị trừng phạt nặng nề. Họ đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Liệu Nga có muốn lật đổ vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ không? Tôi chắc chắn, nhưng đó không phải vấn đề”, Bob Stark, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Kyriba cho biết.

Đồng nhân dân tệ tăng giá nhưng thách thức vẫn còn

Trung Quốc đã đạt được một số quan hệ đối tác với các quốc gia khác để tăng cường sự hiện diện của đồng nhân dân tệ trên trường thế giới. Trong khi đó, Nga tham gia những nỗ lực đó như một cách để giữ cho nền kinh tế của họ phát triển và duy trì hoạt động thương mại sau khi bị phương Tây trừng phạt.

"Việc Nga cố gắng thách thức sự thống trị của đồng đô la ít quan trọng hơn là việc Trung Quốc đang trỗi dậy như một siêu cường kinh tế trên thế giới”, chiến lược gia Bob Stark cho biết.

Ông chỉ ra những cảnh báo từ nhà kinh tế học Nouriel Roubini về một hệ thống tiền tệ lưỡng cực có thể xuất hiện trong thập kỷ tới, trong đó đồng nhân dân tệ sẽ cạnh tranh với đồng đô la trong thương mại toàn cầu.

Nhưng phải mất một thời gian dài để một loại tiền tệ được tin cậy và sử dụng rộng rãi trong thương mại, và sẽ mất nhiều thời gian để lật đổ đồng bạc xanh, đồng tiền chiếm 96% thương mại thế giới trong những thập kỷ gần đây. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm 2% thương mại toàn cầu trong nửa đầu năm 2022.

Nhà kinh tế học Jay Zagorsky cũng bác bỏ quan điểm cho rằng, đồng đô la sẽ hoàn toàn bị thay thế bởi đồng nhân dân tệ, điều này là do các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc đối với đồng tiền của nước này, chẳng hạn như hạn chế số lượng nhân dân tệ có thể được mang ra khỏi đất nước. Chừng nào những quy tắc đó còn được áp dụng, điều đó làm cho đồng nhân dân tệ kém thanh khoản hơn so với các loại tiền tệ như đô la Mỹ, và do đó trở nên kém hấp dẫn hơn.

“Các nhà đầu tư quốc tế không muốn sử dụng một loại tiền tệ khi họ lo lắng rằng tiền của họ sẽ bị mắc kẹt trong một quốc gia và họ sẽ không thể chuyển nó ra ngoài”, nhà kinh tế học Jay Zagorsky cho biết.

Một báo cáo từ Viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace cho biết rằng đồng nhân dân tệ không phải là mối đe dọa đối với đồng bạc xanh, vì quá trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ đòi hỏi phải dự trữ đồng đô la để giữ cho đồng tiền này ổn định.

Paul Krugman, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cũng cho rằng đồng đô la Mỹ khó mất vị trí thống trị và ngay cả khi điều đó xảy ra, nó cũng sẽ khó có thể làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ.

Tin bài liên quan