Các bộ trưởng tài chính của Ấn Độ, Sri Lanka và Zambia đều đưa ra những triển vọng lạc quan tại hội nghị Reuters NEXT. Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Hàn Quốc cũng đưa ra một lưu ý lạc quan trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng tại hội nghị.
Thống đốc Rhee Chang-yong tiết lộ rằng, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến lãi suất chính sách sẽ đạt đỉnh khoảng 3,5% trong chu kỳ hiện tại, điều này cho thấy chỉ còn một bước tăng nhỏ so với mức hiện tại là 3,25%.
Ông cũng cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể thúc đẩy nền kinh tế Hàn Quốc vào năm 2023. Trung Quốc vẫn đang duy trì với các biện pháp hạn chế do Covid nhưng họ đang có dấu hiệu nới lỏng các quy định.
"Thực ra nếu Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid và mở lại biên giới cũng như nền kinh tế thì đó sẽ là một động lực to lớn đối với chúng tôi. Tôi hy vọng điều đó có thể sớm xảy ra", Thống đốc Rhee Chang-yong cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cũng dự báo nền kinh tế "rất tốt" trước cuộc bầu cử năm 2024 khi được thúc đẩy bởi chi tiêu vốn. Ấn Độ có mức tăng trưởng dự kiến khoảng 6,8% - 7% trong năm tài chính tính đến ngày 31/3, phù hợp với mức tăng trước đại dịch.
Cả Sri Lanka và Zambia đều đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ khi gặp khó khăn một phần bởi các khoản vay lớn từ Trung Quốc, tuy nhiên tình hình kinh tế của hai quốc gia này cũng đang cải thiện về các chỉ số lãi suất và lạm phát.
Sri Lanka đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1948 và đã đặt mục tiêu khôi phục tăng trưởng về mức trước khủng hoảng vào năm 2026.
Bộ trưởng tài chính Sri Lanka, Shehan Semasinghe cũng cho biết, quốc gia này có ý định đáp ứng thời hạn tháng 12 để trình bày các kế hoạch giúp mở khóa gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bộ trưởng Tài chính Zambia, Situmbeko Musokotwane cho biết, quốc gia đã vỡ nợ vào năm 2020 và đang đặt mục tiêu hoàn thành việc tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài gần 15 tỷ USD trong quý I/2023. Zambia đang "tham gia tích cực" với chủ nợ song phương lớn nhất của họ là Trung Quốc.
Triển vọng về việc tăng lãi suất chậm lại và lạm phát ở Mỹ có thể đã vực dậy một số tinh thần ở các thị trường mới nổi, nhưng chúng vẫn chưa làm tươi sáng tình hình ở châu Âu và Anh.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và viễn cảnh suy thoái kinh tế sẽ là liều thuốc độc đối với cổ phiếu châu Âu vào năm 2023.