Các nhà đầu tư tự tin có thể đối đầu với những thách thức của thương mại toàn cầu

Các nhà đầu tư tự tin có thể đối đầu với những thách thức của thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư cho rằng việc chia rẽ trong hoạt động thương mại toàn cầu sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế thế giới - nhưng họ tự tin rằng danh mục đầu tư của mình sẽ tiến triển tốt.

Đó là những điểm rút ra quan trọng từ cuộc khảo sát Live Pulse mới nhất của Bloomberg Markets. Gần 80% trong số 320 người tham gia khảo sát cho biết sự thay đổi gần đây sang các chính sách bảo hộ - như trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và trợ cấp - gây ra rủi ro cho tăng trưởng kinh tế, khi các công ty tìm cách làm cho chuỗi cung ứng của mình ngắn hơn và an toàn hơn.

Tuy nhiên, gần 50% số người tham gia khảo sát cho biết xu hướng này là tích cực đối với tài sản tài chính, trong khi chỉ có 21% cho rằng tác động là tiêu cực. Những người tham gia khảo sát bao gồm các nhà quản lý danh mục đầu tư, trader, nhà kinh tế, nhà đầu tư cá nhân và những độc giả khác của Bloomberg News.

Những suy nghĩ lại về thương mại bắt đầu từ căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump. Điều này cũng đã đạt được động lực trong những ngày đầu của đại dịch, khi các quốc gia lo lắng rằng họ sẽ trở nên phụ thuộc vào người khác để cung cấp hàng hóa quan trọng. Xung đột Nga-Ukraine đã tạo thêm sự cấp bách cho nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và đa dạng hóa mạng lưới cung ứng.

Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu đang rạn nứt thành các khối thương mại đối thủ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kết quả đó có thể cắt giảm 5% - tương đương khoảng 5.000 tỷ USD - GDP toàn cầu.

Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc WTO phát biểu tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): “Chúng ta cần tránh chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn. Dòng chảy thương mại tự do là điều chúng ta cần nếu chúng ta thực sự muốn nền kinh tế của mình chuyển động”.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang tìm cách đặt cược vào các mô hình mới. Trên thị trường tiền tệ, 52% số người tham gia khảo sát tại MLIV Pulse cho rằng đồng tiền chiến thắng được mong đợi lớn nhất trong năm tới là đồng peso của Mexico, vượt xa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng won của Hàn Quốc. Mexico đang đón nhận làn sóng đầu tư khi các công ty ở Mỹ và Canada tìm cách rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Điều mà các nhà quản lý tiền tệ dường như đã nhận ra là sự biến động như vậy mang lại cơ hội, và các học thuyết lâu đời tán thành thương mại tự do, về vốn và phòng họp của công ty, đang được sửa đổi thay vì bị loại bỏ hoàn toàn.

Sahil Mahtani, chiến lược gia tại công ty đầu tư Ninety One cho biết: “Các nhà đầu tư hiểu rằng những gì đang xảy ra thay vào đó là một sự phát triển theo đường lối khu vực. Họ đã có thể tận dụng các cơ hội liên quan đến chiến tranh thương mại, lệnh trừng phạt và hoạt động near-shoring”.

Theo một công cụ theo dõi được duy trì bởi cơ quan giám sát Cảnh báo Thương mại Toàn cầu, các chính phủ trên toàn thế giới đã áp đặt hơn 11.000 chính sách để quản lý thương mại kể từ năm 2019 - một bước nhảy vọt so với thập kỷ trước - và khoảng 80% trong số đó là “có hại”, theo nghĩa hạn chế các công ty nước ngoài.

Một phần trong đó đến từ nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc và tìm kiếm nhà cung cấp từ các nước láng giềng. Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bollywood Capital Partners cho biết, điều đó có thể sẽ tiếp tục và các nhà quản lý tài sản đang thích nghi.

“Làm thế nào để các nhà đầu tư kiếm tiền trong tình hình kinh tế biến động như thế này? Cách thức cũ là nghiên cứu và tìm ra những công ty hiểu được những thách thức và có những quy trình thực sự tận dụng được những thay đổi này”, bà cho biết.

Chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì chúng. Khi được hỏi ai sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, gần 40% số người được hỏi MLIV Pulse cho biết, Mỹ đang dẫn trước, trong khi 24% dành lợi thế cho Trung Quốc. Những người khác lại cho rằng mọi người đều thua trong các cuộc chiến thương mại.

Về tác động lên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư gần như chia rẽ về việc liệu căng thẳng có đang kìm hãm cổ phiếu Mỹ hay không, nhưng có quan điểm rõ ràng hơn nhiều về tác động đối với chứng khoán Trung Quốc, với 81% cho rằng cổ phiếu ở thị trường Trung Quốc đang bị ảnh hưởng.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể báo trước một giai đoạn mới. Cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa - đã nhắc tới việc áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Cuộc khảo sát của MLIV Pulse cho thấy, hầu hết các nhà đầu tư đều xem kế hoạch đó là không tốt đối với chứng khoán Mỹ, Trái phiếu Kho bạc và đồng đô la.

Một vấn đề nóng bỏng khác là xe điện – thị trường mà Trung Quốc ngày càng thống trị. Những nỗ lực của Mỹ và EU nhằm đảo ngược xu hướng đó bằng cách áp đặt các rào cản thương mại có thể sẽ phản tác dụng.

Tin bài liên quan