Cameron Brandt, Giám đốc nghiên cứu của EPFR cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu (10/4): “Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng cuộc chơi ngắn hạn là tại thị trường Mỹ vì có gói kích thích đang gia tăng trong khi Trung Quốc lại có những tín hiệu sẽ thực hiện thận trọng hơn, đặc biệt là trong nửa cuối năm”.
Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh vào tháng 3/2020 khi những lo lắng về tác động của đại dịch đối với tăng trưởng kinh tế bao trùm các thị trường. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang kiểm soát sự lây lan virus trong nước và nền kinh tế đã tăng trưởng trở lại nhanh chóng trong quý 2/2020.
Sau khoảng một năm trôi qua, các nhà đầu tư toàn cầu đang đánh giá lại triển vọng đối với cả hai quốc gia.
Biểu đồ dòng vốn ròng tích lũy vào các quỹ đầu tư chứng khoán của Trung Quốc và Mỹ kể từ sau đại dịch Covid-19 (Nguồn: EPFR Global) |
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng 1/2021, Nhà Trắng đã tung ra các gói kích thích bổ sung trị giá 1.900 tỷ USD và công bố kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD.
Chính quyền Biden cũng đã duy trì một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và điều này tạo ra sự chênh lệch về mặt chính trị đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư Mỹ vào tài sản của Trung Quốc.
Sự quan tâm đến các quỹ đầu tư Mỹ, Trung Quốc tăng vọt
Xét trên bối cảnh toàn cầu, các quỹ đầu tư chứng khoán của Mỹ và Trung Quốc là hai khu vực thu hút nhiều dòng vốn nhất từ các nhà đầu tư quốc tế trong hai quý vừa qua.
“Cả quỹ đầu tư chứng khoán của hai quốc gia này đều đã thu hút được nhiều dòng vốn kể từ giữa năm ngoái. Các quỹ của Trung Quốc đã có bước nhảy vọt ban đầu nhưng Mỹ đã quay trở lại dẫn đầu”, ông Cameron Brandt cho biết.
Theo dữ liệu của EPFR, từ đầu năm 2020 đến tháng 11/2020, dòng vốn rút ròng ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán của Mỹ. Tuy nhiên, dòng tiền chuyển biến tích cực trong những tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đạt luỹ kế 170 tỷ USD tính tới ngày 7/4.
Ngược lại, các quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến dòng tiền luỹ kế dương trong phần lớn năm ngoái và vượt quá mức của Mỹ cho đến tháng 12/2020. Dòng tích lũy kế ròng vào các quỹ chứng khoán Trung Quốc tính tới ngày 7/4 chỉ đạt 29,78 tỷ USD.
Dòng vốn vào Trung Quốc vẫn chưa kết thúc
Trong khi chứng khoán Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay, thì chỉ số chứng khoán Shanghai lại ít thay đổi kể từ tháng 12/2020. Hàng triệu nhà đầu tư mới đã đổ dồn vào thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái trong bối cảnh cổ phiếu trong nước tăng vọt và làm dấy lên lo ngại về tình trạng đầu cơ quá mức.
Trong những tuần gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã liên tục cảnh báo về những rủi ro trên thị trường tài chính.
Các nhà phân tích cho biết mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 của Bắc Kinh và các chỉ số kinh tế khác báo hiệu rằng thay vì tập trung vào tăng trưởng kinh tế tốc độ cao, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang có ý định giải quyết các vấn đề dài hạn như phụ thuộc nhiều vào nợ.
“Chúng tôi đã thấy dòng tiền chảy vào Trung Quốc sụt giảm gần đây. Có vẻ như có một số hoài nghi nhất định mặc dù các con số tăng trưởng đặt ra có vẻ khá ấn tượng so với mọi nơi khác, Trung Quốc vẫn được xem là dễ bị tổn thương nếu các điều kiện tiền tệ thắt chặt trước cuối năm nay”, ông Cameron Brandt cho biết.
Tuy nhiên, ông hy vọng các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục mua tài sản của Trung Quốc do nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân kể từ giữa năm ngoái.
Lịch sử cho thấy sẽ phải xuất hiện một sự kiện nghiêm trọng để làm sụt giảm nhu cầu từ các nhà đầu tư cá nhân. Ông Brandt cho biết lần cuối cùng sự gia tăng mua vào của các nhà đầu tư cá nhân biến mất là cho đến khi thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ vào năm 2015.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty niêm yết cổ phiếu và khuyến khích các tổ chức nước ngoài đầu tư.