Theo Investment Company Institute, các quỹ thị trường tiền tệ cá nhân đã ghi nhận dòng tiền vào gần 140 tỷ USD trong năm nay. Đặc biệt hơn, tổng dòng tiền vào các quỹ này đã đạt gần 36 tỷ USD chỉ trong ba tuần qua.
Việc đổ xô vào tiền mặt diễn ra sau đợt bán tháo kéo dài và không ổn định trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay và thổi bay gần 15.000 tỷ USD vốn hoá thị trường. Chỉ số S&P 500 vào tháng 9 đã khép lại chuỗi sụt giảm hàng quý ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sự hỗn loạn của thị trường - được thúc đẩy bởi lạm phát cao và chi phí đi vay tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) xoay trục chính sách tiền tệ - đã đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều nhà kinh tế cảnh báo suy thoái trong năm tới.
Joe D'Angelo, người quản lý tài sản của PGIM Fixed Income cho biết: “Đó là một trong những năm mà túi tiền của mọi người đều bị đốt cháy và đó thực sự là một môi trường mà chúng ta cảm thấy nên thận trọng”.
Trong khi đó, lợi nhuận của các quỹ thị trường tiền tệ cao hơn - vốn đã tăng đều đặn kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 - cũng đang thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt khi lãi suất trên tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase và Bank of America dao động gần bằng 0.
Quỹ thị trường tiền tệ chính phủ quy mô 240 tỷ USD của Fidelity hiện đạt lợi tức khoảng 2,6%, trong khi lợi suất trên quỹ thị trường tiền tệ Liên bang quy mô 218 tỷ USD của Vanguard đã tăng lên 2,83% trong tháng này.
Chỉ số lợi tức của 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất |
Chỉ số của Crane Data về lợi tức của 100 quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất cho thấy lợi suất đã tăng trung bình lên 2,77% từ mức 0,02% vào đầu năm.
Cũng giống như các nhà đầu tư cá nhân, các quỹ quản lý tài sản lớn cũng ngày càng nắm giữ nhiều tiền mặt khi họ cố gắng chờ đợi một mức giá thấp hơn ở cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Một cuộc khảo sát của Bank of America trong tuần này cho thấy các nhà quản lý tài sản trong tháng 10 đang nắm giữ 6,3% tiền mặt, là mức cao nhất kể từ tháng 4/2001.
Nhưng ngay cả khi nhiều người tìm kiếm nơi ẩn náu trong tiền mặt, các quỹ thị trường tiền tệ tổ chức vẫn bị ảnh hưởng khi bị rút ròng 87,4 tỷ USD kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất trong năm nay, đưa dòng tiền rút ròng trong năm 2022 trên 250 tỷ USD.
Động thái này được thúc đẩy một phần bởi các doanh nghiệp chi tiêu vượt mức nguồn tiền cần thiết mà họ tích lũy được để chống chọi với đại dịch. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã cảnh báo vào tháng trước rằng “số dư tiền mặt đang trở lại chuẩn mực trước đại dịch” đối với cả các công ty bluechip và các doanh nghiệp được xếp hạng ở mức rủi ro.
Matt Jones, người đứng đầu bộ phận phân phối thanh khoản tại Western Asset Management cho biết: “Tiền mặt của công ty đã được sử dụng để trả nợ hoặc đầu tư vào doanh nghiệp của họ và với lạm phát, mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí vận hành một doanh nghiệp cao hơn so với trước đây”.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành tại ba quỹ thị trường tiền tệ cho biết việc rút tiền của cả các công ty và các nhà quản lý tiền tệ không cho thấy nhu cầu nắm giữ tiền mặt hoặc các khoản đầu tư giống tiền mặt ít hơn. Thay vào đó, họ đã quan sát thấy sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng trong và ngoài Mỹ cung cấp lãi suất cao cho khách hàng doanh nghiệp nhằm thu hút tiền gửi.
John Tobin, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản Dreyfus cho biết: “Chúng tôi thấy nhiều khách hàng sành sỏi hơn đã tự mình đi trực tiếp vào thị trường, một số khách hàng đầu tư vào các công cụ ngắn hạn như thương phiếu, tín phiếu kho bạc hoặc chứng chỉ tiền gửi ngân hàng”.
Tuy nhiên, làm như vậy không phải lúc nào cũng có lợi cho các nhà đầu tư vì Fed đã tăng lãi suất nhanh hơn dự đoán của nhiều người. Họ kỳ vọng các đợt tăng lãi suất trong tương lai của Fed đã được định giá vào thị trường và cho rằng họ có thể làm tốt hơn các sản phẩm đầu tư hiện có. Trong nhiều trường hợp, họ đã sai vì mọi người không mong đợi Fed sẽ quyết liệt như vậy.
Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản ba lần liên tiếp và đưa phạm vi lãi suất lên 3% đến 3,25%.
Ngược lại, các quỹ thị trường tiền tệ đã dần dần chuyển sang các khoản đầu tư có kỳ hạn ngắn hơn kể từ đầu năm. Điều đó đã cho phép các quỹ tận dụng lợi thế của lãi suất cao hơn ngay khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất đi vay.
Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu nắm giữ tiền mặt sẽ gắn liền với các chính sách của Fed cũng như sự biến động lớn hơn trên thị trường tài chính. Một số cảnh báo rằng nếu Fed có khả năng kiềm chế lạm phát, tiền mặt có thể trở nên ít hấp dẫn hơn.
John Croke, người đứng đầu bộ phận sản phẩm thu nhập cố định đang hoạt động tại Vanguard cho biết, các quỹ thị trường tiền tệ đã không còn phổ biến trong thời gian dài, nhưng các nhà quản lý đang tự hỏi liệu tính ưu việt của chúng có tiếp tục hay không.
"Nếu lạm phát vẫn ở mức cao, điều đó đảm bảo rằng lãi suất sẽ ở mức cao lâu hơn và các quỹ thị trường tiền tệ sẽ giữ được mức độ phù hợp của chúng với nhà đầu tư lâu hơn”, ông cho biết.