Việc Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đi vào thực tiễn trong thời gian qua đã góp phần tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các nhà băng. Từ đó, dự phòng rủi ro giảm, lợi nhuận khả quan và giúp không ít ngân hàng sớm vượt chỉ tiêu đặt ra.
VIB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận mức tăng trưởng 176% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ gia tăng các nguồn thu nhập, cải thiện tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) và giảm trích lập dự phòng khi không còn dư nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Trước đó, tháng 7/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và VAMC ghi nhận VIB là ngân hàng thứ 5 trong hệ thống không còn dư nợ đã bán cho VAMC nhờ tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC. Ngoài VIB, Vietcombank, MB, Techcombank, ACB cũng tất toán trước hạn trái phiếu này.
Trong khi đó, tại Nam A Bank, 9 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng đã thu hồi được 2.469,3 tỷ đồng nợ gốc của các khoản nợ đã bán cho VAMC; thực hiện thanh lý trái phiếu VAMC với tổng mệnh giá là 2.410,4 tỷ đồng, giảm mạnh 93% so đầu năm. Ngân hàng đã thu hồi 2.410 tỷ đồng trái phiếu VAMC và hiện chỉ còn 178 tỷ đồng trái phiếu này.
Việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu đã tác động tích cực lên kết quả hoạt động của Nam A Bank trong 3 quý đầu năm nay, khi nhà băng này đạt mức lợi nhuận trước thuế 460 tỷ đồng, tương đương 144% so với kế hoạch năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Hay tại Techcombank, sau khi tất toán hơn 400 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong năm ngoái, Ngân hàng đã có nguồn thu gia tăng từ các công cụ phái sinh cao gấp 5 lần so với cùng kỳ. Cơ cấu thu nhập của Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay thuộc loại đa dạng nhất trong các ngân hàng và tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng đang giảm từ 53% xuống còn 48%.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng 3 quý đầu năm của Techcombank chưa đến 4%, nhưng tăng trưởng thu nhập lãi thuần tăng đến 26%, đạt 8.168 tỷ đồng, hoạt động dịch vụ tăng 25% đạt 2.113 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 22%, đạt 247 tỷ dồng... Các con số này cho thấy, Techcombank đã đa dạng thu nhập từ nhiều nguồn, trong đó có thêm khoản thu từ các khoản nợ đã xử lý. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Techcombank đạt 7.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,05%.
Tương tự, Vietcombank, ACB, MB… cũng là các nhà băng đã xóa sạch nợ bán cho VAMC, đưa tỷ lệ nợ xấu về lần lượt 1,18%; 0,84% và 1,57% trên tổng dư nợ tính đến cuối tháng 9/2018. Từ đó, kéo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí hoàn nhập vào tổng lợi nhuận 9 tháng.
Chẳng hạn, ACB đạt 4.476 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm nay nhờ dự phòng giảm mạnh 56%, xuống còn 660 tỷ đồng; MB đạt 6.050 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, một phần nhờ Ngân hàng ghi nhận khoản thu đột biến 882 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý, cao gấp rưỡi so cùng kỳ năm ngoái.
Nỗ lực xử lý nợ xấu của các nhà băng đã phần nào được phản ánh qua kết quả hoạt động tích cực. Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ vẫn gặp nhiều khó khăn, cần có thêm thời gian và các biện pháp hỗ trợ. Đáng chú ý, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 42, các ngân hàng đã tăng cường đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng không ít thương vụ bất thành, phải đấu giá nhiều lần vì mức giá ban đầu quá cao.
Điển hình là khu phức hợp Saigon One Tower tại trung tâm TP.HCM, với mức đấu giá được VAMC đưa ra là hơn 6.110 tỷ đồng để thu hồi khoản nợ gốc và lãi trên 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một năm trôi qua, đến nay khoản nợ này vẫn chưa tìm được người mua.
Tương tự, cuối năm 2017, Sacombank chào bán 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III (Long An) với giá khởi điểm gần 10.000 tỷ đồng nhưng không bán được. Sau đó, Sacombank phải giảm giá gần 800 tỷ đồng mới bán được 3 tài sản này với giá 9.200 tỷ đồng, đồng thời chấp nhận cho bên mua trả chậm trong vòng 7 năm.
Mới đây, Thống đốc NHNN đã có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng trừ quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Theo đó, NHNN chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực tìm kiếm đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ theo cơ chế thị trường.
Các tổ chức tín dụng phải từng bước rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm cho giai đoạn từ ngày 14/8/2017 đến 15/8/2022, triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu, đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.