Ảnh Internet

Ảnh Internet

Các nhà băng châu Á thêm khổ vì dịch bệnh

(ĐTCK) Các thành viên thị trường toàn cầu đang tập trung sự chú ý vào sự lây lan của dịch Covid-19, tuy nhiên, riêng với các nhà băng lớn châu Á, một số “mầm bệnh” khác đã bắt đầu nhen nhóm với nguy cơ lan rộng. 

Trong đó, DBS Group Holdings là nơi có các dấu hiệu rõ nhất và các nhà băng hàng đầu khu vực bao gồm HSBC Holdings Plc, Standard Chartered Plc và Citigroup Inc đều đang coi chừng nguy cơ.

Một ngày trước khi công bố báo cáo tài chính quý IV/2019, DBS đã phải cách ly toàn bộ 300 nhân viên tại trụ sở chính sau khi một nhân viên có kết quả dương tính với virus Covid-19.

Diễn biến này khiến Ngân hàng rơi vào tình trạng căng thẳng, bởi các tổ chức lớn như DBS cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách hàng rất đông đảo.

Nhà băng này sau đó đã đẩy mạnh hoạt động online với mục tiêu đảm bảo hoạt động thông suốt.

Tuy nhiên, mối lo lớn nhất không phải việc tổ chức hoạt động, mà là câu chuyện nhu cầu, khi các thị trường chính là Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Thực tế, tình hình đã có vẻ khó khăn đối với DBS nói riêng và các ngân hàng châu Á nói chung từ trước khi dịch bệnh bùng nổ.

Năm 2019, DBS công bố lợi nhuận ở mức kỷ lục, gần 4,6 tỷ USD, tăng 14% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 4%, giảm mạnh so với mức 7% năm 2018. Hoạt động cho vay mua bất động sản tại Singapore gặp khó khi chính phủ nước này công bố hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát đà tăng giá nhà vào tháng 7/2018.

Hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) đạt đỉnh 1,91% trong nửa đầu năm ngoái trước khi giảm xuống 1,86% vào tháng 12.

Các nhà băng châu Á thêm khổ vì dịch bệnh ảnh 1

Hệ số NIM của DBS tại thời điểm dịch SARS xảy ra ở mức cao hơn so với hiện tại.

Trong bối cảnh này, DBS đang ở vị thế dễ tổn thương hơn so với thời điểm 2003, khi đại dịch SARS diễn ra.

Nếu như mối lo ngại lớn nhất của các tổ chức tài chính năm 2019 là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì năm 2020 sẽ là tình trạng trì trệ, đổ vỡ của chuỗi cung ứng.

Trong kịch bản dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào mùa hè này, DBS dự báo doanh thu cả năm sẽ ảnh hưởng 1 - 2%.

Tình trạng này nếu kéo dài và lan rộng hơn, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong khi tăng trưởng khoản vay vốn đã chậm lại kể từ cuối năm ngoái, rõ ràng sẽ là môi trường không hề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các nhà băng châu Á, trong đó có DBS.

Thực tế, bên cạnh dịch bệnh, các nhà băng châu Á vốn đã đau đầu với nhiều vấn đề tại khu vực, trong đó có việc chính quyền Trung Quốc kiểm soát tình trạng sử dụng đòn bẩy cao tại các thị trường tài chính, biến động bất thường tại Hồng Kông ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, hoạt động sản xuất bị đình trệ bởi virus Corona…

Tất cả đều có khả năng biến khối nợ xấu của các nhà băng phình to hơn nữa.

Một cách công bằng, các nhà băng châu Á đang sở hữu tỷ lệ nợ xấu ở mức khả quan hơn so với tình trạng năm 2003.

Theo đó, DBS đối diện với dịch SARS khi chưa hồi phục hoàn toàn từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, sở hữu khối nợ xấu với tỷ lệ tới 13% tổng nợ năm 1999.

Tới cuối năm 2002, con số này vẫn ở mức 6%.

Trong khi cuối tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu của DBS chỉ ở mức 1,5%. Tuy nhiên, nợ xấu là yếu tố có thể phình ra nhanh chóng khi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ và các biện pháp thắt chặt được áp dụng.

Nhìn chung, châu Á đang là “vựa thóc” lớn khi đóng góp chủ đạo cho lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trên thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận đã giảm xuống chỉ còn 3% trong giai đoạn 2014 - 2018, so với mức 12% của giai đoạn 4 năm trước đó, theo nghiên cứu mới nhất của McKinsey & Co.

Con số này truyền tải một thông điệp tàn nhẫn: các nhà băng châu Á cần “tái sinh” hoặc đối diện rủi ro biến mất.

Tin bài liên quan