Nửa đầu năm 2019, Vincom Retail (VRE) đạt doanh thu thuần 4.267 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ nắm ngoái; lợi nhuận đạt 1.251 tỷ đồng, tăng 8%. Mức tăng này theo nhận xét của giới phân tích chứng khoán là nằm trong dự đoán bởi mức độ cạnh tranh khá khốc liệt trên thị trường, dẫn tới biên lợi nhuận gộp giảm. Tuy vậy, động thái chủ đạo của doanh nghiệp vẫn là tích cực phủ sóng và tập trung các điểm bán lớn.
Chẳng hạn, VRE đã công bố kế hoạch mở 10 trung tâm thương mại mới trong nửa cuối năm 2019, nâng tổng số trung tâm thương mại lên 79 với tổng diện tích bán lẻ ước tính hơn 1,6 triệu m2 vào cuối năm. Công ty dự kiến mở thêm 250.000 m2 bán lẻ mỗi năm với 3 Vincom Mega Mall nằm trong 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park. Ðây là các trung tâm thương mại trọng điểm trong 2 năm tới.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc BRG Retail, dư địa của thị trường bán lẻ hiện đại còn rất lớn, dù cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo báo cáo của Nielsen, năm 2018, thị trường Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sóng lớn từ những tên tuổi như Saigon Coop, Vinmart, Lotte, Big C... khi hàng nghìn điểm bán mới được mở, song lưu chuyển hàng hóa qua kênh hiện đại mới đạt 25%, trong khi các thị trường xung quanh như Singapore là 90%, Trung Quốc, Thái Lan là 50 - 60%. Ðây là lý do các tên tuổi phân phối nổi tiếng trong và ngoài nước không ngừng quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Sau gần 20 năm làm việc cho Big C, ông Dũng mới đây đã quyết định đầu quân cho BRG Retail. Chuyên gia này phân tích, tiềm lực tài chính để đi đường trường chỉ là một điều kiện, còn có nhiều yếu tố quan trọng hơn. Chẳng hạn, hệ thống bán lẻ BRG với nhiều mô hình đang hoạt động có khả năng phục vụ đa dạng tập khách hàng.
Trong khi Hapro tập trung vào mô hình cửa hàng nhỏ, nằm trong các khu dân cư, chinh phục khách hàng bằng sự tiện lợi, thân thiện, thì Intimex với quy mô ít nhất 1.000 m2/siêu thị hướng đến khả năng cung cấp hàng phong phú, nhiều chủng loại; Fujimart hướng đến nhóm người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao và mong muốn trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp như người Nhật.
Dù vậy, định hướng nhóm khách hàng và mô hình hoạt động riêng có của từng thương hiệu có thể tạo ra thách thức khi muốn đồng bộ, chuẩn hóa quy trình hoạt động. Bởi lẽ, mỗi hệ thống có văn hóa, lịch sử, đặc điểm hoạt động, cách thức quản trị khác nhau, không dễ để nâng lên tương đồng mọi mặt.
“Chúng tôi đã bắt tay vào xây dựng và chuẩn hóa từng mô hình, với bản mô tả công việc cho từng vị trí như giám đốc siêu thị, trưởng ngành hàng, nhân viên thu ngân... để triển khai và đào tạo thống nhất", ông Dũng chia sẻ.
Có trong tay bộ quy chuẩn hoạt động chuyên nghiệp cho từng mô hình, khi có địa điểm phù hợp, BRG Retail sẽ nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Theo ông Dũng, mặc dù tốc độ mở mới các cửa hàng tiện lợi bùng nổ trong nửa cuối năm 2018 trở lại đây, nhưng thị thường bán lẻ đòi hỏi người chơi có tiềm lực mạnh, độ “lì đòn” cao, bên cạnh năng lực tổ chức chuyên nghiệp.
Cạnh tranh của các nhà bán lẻ Việt trong cuộc đua với các đại gia nước ngoài hiện không dừng lại ở giá mà cần phải hướng tới phục vụ khách hàng. Không ít bà nội trợ gần đây đã từ bỏ mua hàng tại hệ thống Big C vì tiêu chí “giá rẻ cho mọi nhà” của tập đoàn bán lẻ này khiến sản phẩm khó đảm bảo mức tối ưu về chất lượng, độ tươi ngon. Chưa kể, những ồn ào mới đây liên quan đến các nhà cung cấp hàng may mặc cho Big C cho thấy, các tập đoàn nước ngoài không mấy mặn mà với việc tạo đầu ra ổn định cho các nhà phân phối, sản xuất Việt Nam.
“95% hàng hóa bán tại Big C là sản xuất tại Việt Nam, không có lý gì các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ trống trận địa ngay trên sân nhà”, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ bình luận.
Với lịch sử hàng trăm năm hoạt động, các tập đoàn nước ngoài có lợi thế về mọi mặt trong cuộc đua trên thị trường bán lẻ. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, nhưng những người trong cuộc như ông Dũng tin rằng, với nỗ lực và quyết tâm tham gia những trận đánh lớn một cách bài bản, hợp lực và cạnh tranh sòng phẳng, ngày trỗi dậy của các thương hiệu bán lẻ Việt không còn xa.
Theo Nielsen, kênh bán lẻ truyền thống tuy chiếm tới 75%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần, nhưng tăng trưởng 2 con số, ở mức 11,8%.
Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2017, trở thành mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.