Các ngành dịch vụ hưởng lợi lớn từ "cơn sốt" hoa mận

0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm vào dịp đầu xuân, cao nguyên Mộc Châu lại khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi của hoa mận. Năm nay, sức hút từ loài hoa đặc trưng này đã vượt ngoài dự đoán, tạo nên một "cơn sốt" du lịch chưa từng có.
Thời điểm hiện tại, hoa mận đã thưa dần, nhường chỗ cho những tán lá non xanh mướt. Ảnh: Hải Yến

Thời điểm hiện tại, hoa mận đã thưa dần, nhường chỗ cho những tán lá non xanh mướt. Ảnh: Hải Yến

Theo số liệu từ Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Mộc Châu, từ mùng 3 Tết (31/1/2025) đến nay, địa phương đã đón hơn 250.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mùa hoa mận. Trung bình mỗi ngày, khoảng 10.000 du khách đặt chân tới Mộc Châu, riêng vào cuối tuần, con số này có thể tăng gấp đôi, tạo nên bầu không khí náo nhiệt chưa từng có. Nếu tốc độ tăng trưởng này tiếp tục duy trì, đến hết tháng 2, tổng lượng khách có thể chạm mốc 1 triệu lượt, mang lại nguồn thu ước tính lên tới 1.200 tỷ đồng.

Sự bùng nổ du lịch kéo theo nhu cầu chi tiêu trong các dịch vụ lưu trú, ăn uống và trải nghiệm nông nghiệp. Theo khảo sát của phóng viên, các khách sạn, homestay, resort đều rơi vào tình trạng "cháy phòng", giá thuê tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu. Ngay cả các hộ dân địa phương cũng tranh thủ cơ hội, mở dịch vụ cho thuê phòng nghỉ, phục vụ ăn uống nhằm tận dụng tiềm năng kinh tế từ dòng khách khổng lồ đổ về.

Tại các điểm đến nổi tiếng như bản Áng, thung lũng Nà Ka hay khu du lịch rừng thông Bản Áng… lượng khách đông đến mức khiến giao thông tắc nghẽn, dòng xe nối dài trên những con đường dẫn vào khu vực trung tâm. Du khách đổ về chật kín, háo hức ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp giữa sắc trắng tinh khôi của rừng mận nở rộ.

Chị Nguyễn Hải Yến (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội từ sáng sớm, mất khoảng 4 tiếng để lên đến nơi, lượng khách quá đông khiến việc di chuyển khá khó khăn, nhất là vào cuối tuần. Các điểm check-in nổi tiếng đều chật kín người, tìm một góc chụp ảnh riêng cũng không dễ. Giá cả dịch vụ cũng tăng cao hơn so với bình thường, nhưng bù lại, người dân địa phương rất thân thiện, nhiệt tình hướng dẫn và hỗ trợ du khách.”

Một chủ homestay tại tiểu khu 34, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết: “Năm nay khách đặt phòng từ rất sớm, có những ngày giá phòng tăng từ 500.000 đồng lên 1,2 triệu đồng mà vẫn cháy phòng. Các dịch vụ đi kèm như ăn uống, cho thuê trang phục dân tộc cũng thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với mọi năm”.

Không riêng dịch vụ lưu trú, hàng loạt ngành kinh doanh khác tại Mộc Châu cũng hưởng lợi từ đợt cao điểm du lịch này.

Ôtô xếp hàng dài vào các vườn mận ở Mộc Châu. Ảnh: Quang Kiên

Ôtô xếp hàng dài vào các vườn mận ở Mộc Châu. Ảnh: Quang Kiên

Các hãng xe khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... đi Mộc Châu đều trong tình trạng hết vé vào cuối tuần. Giá vé tăng từ 250.000 đồng lên 350.000 đồng nhưng lượng khách vẫn không giảm. Dịch vụ xe ôm, taxi địa phương cũng tăng gấp đôi doanh thu so với ngày thường, nhất là tại các điểm du lịch nổi tiếng như thung lũng mận Mu Náu hay đồi chè trái tim.

Về dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, quán ăn tại Mộc Châu luôn trong tình trạng đông nghẹt, nhiều nơi phải từ chối khách vì quá tải. Các đặc sản như bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, sữa tươi Mộc Châu đều có lượng tiêu thụ tăng ấn tượng. Đáng chú ý, sữa chua nếp cẩm - một món ăn vặt đặc trưng của Mộc Châu cũng bán chạy hơn gấp 2 - 3 lần so với ngày thường.

Tại các điểm check-in, phí tham quan dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/người. Một số chủ vườn mận mở rộng thêm các dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp, thuê trang phục dân tộc. “Chỉ trong hơn một tháng, vườn của tôi đã đón hơn 20.000 lượt khách, thu về hàng trăm triệu đồng”.

Mặc dù mang lại nguồn thu lớn, nhưng đây cũng đặt ra bài toán không nhỏ về công tác quản lý du lịch, điều tiết lượng khách và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Nếu không có giải pháp kịp thời, tình trạng quá tải có thể gây áp lực lớn lên hạ tầng, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách và tác động tiêu cực đến sự phát triển dài hạn của du lịch Mộc Châu.

Áp lực lên môi trường sinh thái khi lượng khách quá đông kéo theo hệ lụy về rác thải, ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên. Dù đã có các biển báo và chương trình vận động bảo vệ môi trường nhưng không ít du khách vẫn xả rác bừa bãi, giẫm đạp lên hoa mận khi chụp ảnh.

Giá cả dịch vụ tăng cao cũng gây tranh cãi khi nhiều du khách phản ánh giá phòng, giá ăn uống bị đẩy lên quá cao trong mùa cao điểm. Nếu không có biện pháp kiểm soát hợp lý, điều này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Mộc Châu trong dài hạn.

Để khắc phục, các chuyên gia du lịch đề xuất Mộc Châu cần có những giải pháp phù hợp nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Thứ nhất, đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông, nâng cấp tuyến đường chính, phát triển bãi đỗ xe thông minh giúp giảm tải áp lực giao thông.

Thứ hai, kiểm soát giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp giám sát mức giá dịch vụ lưu trú, ăn uống, tránh tình trạng “chặt chém” vào mùa cao điểm, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh nâng cao chất lượng phục vụ.

Thứ ba, đẩy mạnh du lịch xanh, bảo vệ cảnh quan. Các chủ vườn mận có thể triển khai mô hình du lịch sinh thái, áp dụng quy trình tham quan có kiểm soát để tránh việc du khách gây tổn hại đến cây cối. Chính quyền địa phương cũng có thể phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, nâng cao ý thức của du khách.

Nếu có chiến lược phù hợp, mùa hoa mận Mộc Châu hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu du lịch dài hạn, đưa cao nguyên này trở thành điểm đến hàng đầu của miền Bắc vào mỗi dịp xuân về.

Tin bài liên quan