Các ngân hàng xây chắc nội lực, đón cơ hội phục hồi

Các ngân hàng xây chắc nội lực, đón cơ hội phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xác định còn không ít khó khăn, thách thức trong năm 2024, song cơ hội luôn song hành và các ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội lực và định hướng phát triển để đón đầu nhu cầu tín dụng khi kinh tế dần hồi phục.

Sự tín nhiệm của khách hàng đối với OCB ngày càng gia tăng

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB

Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB

Năm 2024, OCB đặt kế hoạch lãi trước thuế 6.885 tỷ đồng và HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng tự tin đạt được chỉ tiêu này. OCB định vị tỷ suất lợi nhuận nằm trong Top 5 các ngân hàng tư nhân. Thực tế, bản thân chúng tôi cũng là những cổ đông của Ngân hàng nên luôn mong muốn tạo được hiệu quả tốt nhất cho cổ đông. Tuy nhiên, cũng không thể đặt ra mục tiêu không sát với thực tế. Từ một ngân hàng trong diện tái cơ cấu, OCB đã gặt hái được những thành công nhất định trên thị trường trong những năm qua, nên không có lý do gì để không tự tin vào việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm nay, khi nền kinh tế bắt đầu quá trình hồi phục.

Tất nhiên, hoạt động kinh doanh không bao giờ là con đường bằng phẳng, đặc biệt với ngành ngân hàng vốn gắn chặt với những biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước. Với OCB, năm 2021, chúng tôi là một trong 10 ngân hàng đạt kết quả cao nhất trên thị trường, song giai đoạn 2022 - 2023 là hai năm không đạt được kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng lạm phát cao, những vấn đề hậu dịch Covid-19 làm cho nền tài chính toàn cầu đổi chiều, tác động đến ngành ngân hàng, trong đó có OCB.

Năm qua, Ngân hàng gặp vấn đề chi phí đầu vào tăng do lãi suất tiền gửi tăng cao. Nguồn thu ngoài lãi cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động liên kết kinh doanh bảo hiểm gặp khó, thu phí cũng khó tăng cao. Đồng thời, do thị trường khó khăn, xu hướng nợ xấu tăng nên đòi hỏi OCB tăng trích lập dự phòng rủi ro. Trên thế giới, những cơn gió ngược như căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn nhằm kiểm soát lạm phát, tổng cầu thế giới giảm…, kết hợp với những khó khăn nội tại, tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng không như kỳ vọng, xuất nhập khẩu suy yếu, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng… Từ đó, lĩnh vực ngân hàng cũng bị ảnh hưởng sâu rộng khi lượng hấp thụ vốn toàn nền kinh tế suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nhờ có chiến lược linh hoạt, những quyết định thay đổi, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị trường, hài hòa giữa lợi ích khách hàng và Ngân hàng, OCB đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong năm 2023, đạt 148.005 tỷ đồng, tăng 20,53% so với năm 2022. Trong đó, OCB tập trung vào các ngành nghề ưu tiên vốn theo định hướng chung, giảm tỷ trọng ngành nghề có rủi ro cao đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, với mục tiêu đa dạng hóa, tối ưu hiệu quả danh mục.

Chiến lược kinh doanh thận trọng, giữ chữ tín khiến sự tín nhiệm của khách hàng đối với OCB ngày càng gia tăng. Quan hệ hợp tác với các định chế tài chính quốc tế như IFC, DEG… được tăng cường, qua đó giúp Ngân hàng củng cố nguồn vốn trung và dài hạn.

Về kế hoạch kinh doanh đưa ra cho năm 2024, tôi cho rằng, với sự phân tích thấu đáo về thị trường, sự tính toán kỹ lưỡng của HĐQT, Ban điều hành, OCB tự tin sẽ đạt kế hoạch đề ra. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu trở lại Top 5 các ngân hàng tư nhân có tỷ suất lợi nhuận cao và nỗ lực hết sức để cổ đông yên tâm về việc đang đầu tư vào một ngân hàng có trách nhiệm cao với đồng vốn của cổ đông, cũng như với khách hàng và đối tác.

Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank

Sacombank đang thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý lượng cổ phiếu của ông Trầm Bê. Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối lên đến gần 18.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo. Hội đồng quản trị thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang nỗ lực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức. Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá của cổ phiếu Sacombank đã tăng khá mạnh trong thời gian qua, phần nào bù đắp cho cổ đông.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, nhưng với nội lực vững vàng, chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, cùng tâm thế ở điểm cuối hành trình tái cơ cấu, Sacombank tự tin đặt mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cho năm 2024, với các chỉ số tài chính dự kiến tăng trưởng từ 10%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 10.600 tỷ đồng, tổng tài sản tăng lên 724.100 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt 636.600 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, đồng thời kiểm soát nợ xấu dưới 2%.

Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 10% có thể không quá cao, nhưng đây là mức phù hợp với các điều kiện thực tại vì Sacombank cần củng cố nền tảng tài chính, tập trung toàn lực xử lý dứt điểm các tồn đọng để hoàn thành Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Đồng thời, đẩy mạnh ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn và chung tay cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực thi các giải pháp phục hồi kinh tế; tập trung đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin và hệ sinh thái số. Sacombank đang tích cực chuyển đổi số trong bán lẻ và quy trình vận hành. Ngân hàng đã tiên phong hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm triển khai đa dạng các phương thức thanh toán mới, đồng thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc và gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng với tổng giá trị lên đến 131.500 tỷ đồng. Nhờ đó, uy tín thương hiệu Sacombank được nâng cao, khách hàng ngày càng gắn bó. Số lượng khách hàng vượt mốc 18 triệu; số lượng user online đạt 8,9 triệu, tăng 19,8%; số lượng giao dịch thành công qua kênh số đạt 508 triệu, tăng 51%.

Hướng đến Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài Nhà nước về thị phần và khả năng sinh lời

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB

Năm 2024, kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên, với khả năng chống chịu của khu vực doanh nghiệp, cùng với vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng và các giải pháp, chính sách của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, kinh tế có nhiều cơ hội phục hồi.

Dự báo, chính sách tiền tệ năm nay sẽ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt và phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân ở mức 4 - 4,5%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trong bối cảnh này, kế hoạch hoạt động năm 2024 ACB trình đại hội đồng cổ đông là phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích cổ đông cũng như trách nhiệm của Ngân hàng trong việc chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp và người dân trong khi tình hình kinh tế còn khó khăn. Kế hoạch tăng trưởng quy mô cũng là hài hòa giữa việc đảm bảo thị phần và duy trì chất lượng tài sản an toàn, bền vững trong tương lai.

Đối với ACB, giai đoạn chiến lược 2019 - 2024 đang dần khép lại với việc ACB đã hoàn thành tất cả các mục tiêu tài chính quan trọng. Trong đó, từ năm 2019 đến 2023, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) hợp nhất luôn đạt mục tiêu chiến lược trên 20%; là ngân hàng có mức sinh lời hàng đầu Việt Nam.

Để ACB tiếp tục phát triển bền vững, HĐQT nhận định phải cân bằng giữa duy trì và phát triển; một mặt phát huy thành quả của chiến lược vừa qua, mặt khác có những điều chỉnh cần thiết, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của ACB, hướng đến Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước về thị phần và khả năng sinh lời. ACB trong giai đoạn tới vẫn tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn là thế mạnh đang dẫn đầu thị trường, đồng thời phát triển những doanh nghiệp lớn đầu ngành, có hệ sinh thái phù hợp. Các mục tiêu tài chính quan trọng tiếp tục được đảm bảo, trong đó mức sinh lời ROE trên 20%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, duy trì vị thế Top 3 ngân hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Ngân hàng “xanh, số” là trụ cột được Nam A Bank ưu tiên dồn toàn lực

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Nam A Bank
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Nam A Bank

Bước sang năm 2024, thị trường chưa hết thách thức, khó khăn, song vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng đang đồng hành chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi mạnh mẽ trong tương lai gần. Triển vọng dài hạn, ngành ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng cao khi đã đáp ứng được chuẩn mực, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Lấy tiêu chí “an toàn, bền vững” làm kim chỉ nam, Nam A Bank dự kiến, giai đoạn 2024-2025, chỉ số CAR quanh mức 10-12%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%, hệ số NIM trên 3,3%, tỷ lệ ROA và ROE lần lượt trên 1,4% và trên 19%. Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay Ngân hàng đề ra ở mức 4.000 tỷ đồng trước thuế và năm sau là 5.000 tỷ đồng.

Cùng với việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE, Nam A Bank luôn tìm kiếm cơ hội tăng vốn. Năm nay, Nam A Bank sẽ tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối thông qua chia cổ tức cho cổ đông và mục tiêu năm 2025, vốn điều lệ Nam A Bank sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.

Ngân hàng “xanh, số” là trụ cột được Nam A Bank ưu tiên để theo đuổi và dồn toàn lực đưa hai trụ cột này trở thành mũi nhọn cạnh tranh ở hiện tại và tương lai, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và cung ứng chuỗi giá trị, sản phẩm, dịch vụ tốt nhất.

Liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank

Kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với những khó khăn từ dịch bệnh, chiến tranh thương mại và biến động địa chính trị ở nhiều khu vực. Trong nước, GDP quý I/2024 tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra và là mức tăng cao nhất trong quý đầu 4 năm liên tiếp vừa qua.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề và vướng mắc liên quan đến chất lượng tài sản, xử lý nợ xấu, tuân thủ các quy định mới về đảm bảo các chỉ số an toàn, tỷ lệ an toàn vốn… Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát rủi ro, kiểm soát chi phí, Eximbank áp dụng chiến lược linh hoạt với những giải pháp mới dựa trên sự thay đổi cách tiếp cận thị trường và khách hàng. Eximbank bước vào cuộc đua số hóa với mục tiêu cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, chất lượng cao. Đích đến của chúng tôi là liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển nền tảng khách hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay, thay vì chỉ dựa vào việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, Eximbank đã chủ động cơ cấu lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn để cải thiện NIM (thu nhập từ lãi/tổng tài sản có sinh lời). Điều này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất kinh doanh, tăng cường lợi nhuận mà còn giảm thiểu rủi ro và góp phần tạo ra một môi trường tài chính ổn định cho khách hàng và hệ thống. Song song với việc tập trung xử lý nợ tồn đọng và tăng cường quản lý rủi ro, Eximbank triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất cạnh tranh nhằm chia sẻ với khách hàng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Những nỗ lực để thích nghi trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động đã giúp Eximbank duy trì được đà tăng trưởng quy mô tốt hơn so với tăng trưởng chung của ngành.

Kiên định đưa ra các mục tiêu chiến lược ở mức cao

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank

Dù nhận định năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng HDBank kiên định đưa ra mục tiêu chiến lược ở mức cao nhằm duy trì tốc độ phát triển với các chương trình hành động cụ thể. Theo đó, năm nay, Ngân hàng đề ra mục tiêu đạt lợi nhuận 16.000 tỷ đồng, chia cổ tức 30%. Đại hội đồng cổ đông HDBank đã thông qua các nội dung tờ trình với tỷ lệ đồng thuận cao, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2024, với các chỉ tiêu trọng yếu: tổng tài sản đạt trên 700.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 624.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023; tổng dư nợ dự kiến vượt 438.000 tỷ đồng, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 5% từ mức 29.076 tỷ đồng, tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng vốn, tạo đà cho mục tiêu phát triển bền vững những năm tiếp theo.

Với điều kiện thuận lợi từ những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cùng với tiềm năng phát triển trong thời gian tới, cũng như tinh thần quyết tâm, HDBank sẽ tận dụng được cơ hội, phát triển hệ thống, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra, duy trì tốc độ phát triển trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai các sáng kiến theo chiến lược 5 năm, hoàn thành kế hoạch năm 2024.

Về mục tiêu dài hạn, HDBank kiên trì chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính thuộc nhóm dẫn đầu thị trường với sản phẩm, dịch vụ vượt trội, mạng lưới quốc tế, hoạt động an toàn, hiệu quả, thương hiệu được khách hàng tin dùng. Định hướng phát triển bền vững đó được cụ thể hóa thành các sáng kiến và lộ trình rõ ràng, thực tế, nhằm tạo nền tảng vững chắc để HDBank hoàn thành và hoàn thành vượt mức những mục tiêu lớn theo chiến lược 5 năm phát triển vào năm 2025.

Tin bài liên quan