Các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng thuận giữ lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn"

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng thuận giữ lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra thông báo giữ lãi suất ở mức cao cần thiết để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi chu kỳ thắt chặt chính sách toàn cầu chưa từng có đã lên đến đỉnh điểm.

Giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn hiện là quan điểm chính thức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng như được các nhà hoạch định chính sách tiền tệ từ các nền kinh tế lớn khác.

Hôm thứ Năm (21/9), Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết sau khi các nhà hoạch định chính sách quyết định giữ lãi suất chính ở mức 5,25%: “Chúng tôi sẽ cần giữ lãi suất đủ cao trong thời gian đủ lâu để đảm bảo rằng chúng tôi hoàn thành công việc”.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã có một thông điệp tương tự trong cuộc họp chính sách tuần này. Fed đã tiếp tục duy trì lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ vẫn cứng rắn trong cuộc chiến lạm phát có thể sẽ kéo dài đến năm 2026.

Tại châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước đã kiên quyết rằng không thể loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm đối với khu vực đồng euro. Các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thụy Điển đều phát tín hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất trở lại, thậm chí Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cũng đưa ra triển vọng tăng lãi suất hơn nữa mặc dù lạm phát ở mức khá thoải mái là 1,6%.

Các ngoại lệ đáng kể bao gồm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Hôm thứ Sáu (22/9), BOJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và lưu ý đến “những bất ổn cực kỳ cao” về triển vọng tăng trưởng trong nước và toàn cầu.

Mặc dù lạm phát đã dần dần hạ nhiệt, nhưng lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế lớn vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương cho là lành mạnh. Vào tháng 8, lạm phát ở mức 3,7% ở Mỹ và 5,2% ở khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lời hoa mỹ cứng rắn, các nhà đầu tư vẫn hoài nghi rằng các ngân hàng trung ương sẽ đi đúng hướng do có những nghi ngờ về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và những lo ngại về địa chính trị từ xung đột Nga-Ukraine đến sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Vào thời điểm này năm sau, chúng tôi dự đoán rằng 21 trong số 30 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ cắt giảm lãi suất”, Capital Economics cho biết trong một bài bình luận có tựa đề “Một điểm bùng phát cho chính sách tiền tệ toàn cầu”.

Đó là một bước ngoặt tiềm ẩn có thể làm rung chuyển thị trường. Và điều đó nói lên rằng, triển vọng lãi suất toàn cầu đang tiến gần đến mức đỉnh sẽ giúp ích rất nhiều cho các nền kinh tế mới nổi đang phải chịu gánh nặng nợ nần chồng chất.

Với việc Mỹ và châu Âu đều đã tránh được cuộc suy thoái từng được dự đoán, viễn cảnh về một cuộc hạ cánh mềm đối với nền kinh tế toàn cầu đang dần xuất hiện trở lại, phần lớn nhờ vào thị trường lao động sôi động bất thường.

Các nhà hoạch định chính sách thừa nhận họ vẫn chưa thống nhất được lời giải thích cho vấn đề này. Một số gợi ý rằng các công ty đang lo lắng và muốn tránh lặp lại tình trạng thiếu nhân sự lành nghề mà họ phải gánh chịu khi nền kinh tế toàn cầu khởi sắc vào năm 2021 sau lệnh phong tỏa do Covid và tình trạng "tích trữ lao động" là do nguyên nhân này.

Câu đố chưa được giải quyết đó có nghĩa là các ý kiến bị chia rẽ về sức mạnh cơ bản thực sự của nền kinh tế toàn cầu là gì và liệu có thể duy trì lãi suất cao trong một thời gian dài mà nhu cầu tổng thể không bị ảnh hưởng nặng nề hay không.

Krishna Guha, Phó chủ tịch Evercore ISI cho biết: “Chủ tịch Fed không cam kết và thậm chí còn khá ôn hòa về một đợt tăng lãi suất khác vào năm 2023, đó là quyết định thực tế ngay bây giờ. Điều này cho thấy Fed nhìn thấy cơ hội cho một cuộc hạ cánh mềm và sẽ cố gắng không làm hỏng nó”.

Tin bài liên quan