Triển vọng nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ ràng tại phần lớn các nền kinh tế trên toàn cầu

Triển vọng nới lỏng tiền tệ ngày càng rõ ràng tại phần lớn các nền kinh tế trên toàn cầu

Các ngân hàng trung ương lớn sẵn sàng nới lỏng tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ không còn để việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ hạ lãi suất ảnh hưởng tới quyết định nới lỏng tiền tệ của mình trong thời gian tới.

Trong số 23 ngân hàng trung ương tốp đầu trong danh sách theo dõi định kỳ của Bloomberg, chỉ có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) một mình một hướng khi không có ý định hạ lãi suất trong 18 tháng tới. Các ngân hàng trung ương đều đã sẵn sàng để nới lỏng tiền tệ trong năm nay, dù có cùng nỗi lo với Fed, đó là việc hạ lãi suất sẽ tác động tới lạm phát, nhất là khi lạm phát đang ở mức cao và có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng giá cả hậu đại dịch Covid-19.

Thực tế, một số quốc gia đã làm quen dần với việc điều chỉnh chính sách tiền tệ một cách “nhẹ nhàng”, thay vì quyết liệt như khi tiến hành nâng lãi suất trước đó. Trong quá trình điều chỉnh lãi suất, ngay tại các nền kinh tế phát triển cũng có những khác biệt, không còn đồng điệu như khi quyết định nâng lãi suất. Chẳng hạn, tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ đã hạ lãi suất 2 lần, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất 1 lần, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến sẽ hạ lãi suất 1 lần trong năm nay, trong khi giới chức Na Uy đưa ra thông điệp chưa giảm lãi suất trong năm 2024.

Tuy nhiên, triển vọng nới lỏng tiền tệ trong nửa cuối năm 2024 ngày càng rõ ràng tại phần lớn các nền kinh tế.

Cụ thể, các quan chức Fed đã khá thống nhất với việc sẽ hạ lãi suất 1 lần trong năm 2024, theo các thông tin mới nhất được công bố tại cuộc họp vào tháng 6 vừa qua. Vấn đề mà thị trường còn đoán định là liệu động thái này sẽ diễn ra trong quý III hay cuối quý IV và liệu sẽ có thêm 1 lần hạ lãi suất nữa trong năm nay? Một trong những lý do giúp giới chức Fed cảm thấy tự tin hơn trên hành trình quyết định lãi suất là việc chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại trong tháng 5, đánh dấu 2 tháng tăng trưởng chậm lại liên tiếp.

“Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, những yếu tố bất ngờ như thị trường lao động yếu đi có thể đẩy nhanh quá trình hạ lãi suất. Chúng tôi dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên mức 4,2% vào tháng 9 và ngay cả khi chỉ số lạm phát lõi ở trên mức mục tiêu đang đặt ra, Fed vẫn sẽ hạ lãi suất. Chúng tôi dự báo, Fed sẽ có 1 lần hạ lãi suất vào tháng 9 và một lần vào tháng 12, với tổng mức hạ là 0,5%”, Anna Wong, nhà kinh tế tại Bloomberg chia sẻ.

Với ECB, cơ quan này đã hạ lãi suất trong tháng 6 nên chưa vội vã với việc tiếp tục đưa lãi suất đi xuống. Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, lạm phát sẽ không đạt mức mục tiêu 2% cho tới gần cuối năm 2025. Tăng trưởng tiền lương, nhất là tại lĩnh vực dịch vụ đang tạo lực đẩy cho chỉ số giá tiêu dùng và giới chức châu Âu lo ngại việc nới lỏng tiền tệ lúc này sẽ quá hấp tấp.

Trong bối cảnh đó, các thành viên thị trường cho rằng, ECB sẽ chưa hạ lãi suất lần 2 trong tháng 7. Tăng trưởng tiền lương dự kiến sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2024, tạo dư địa cho ECB có thể hạ lãi suất vào tháng 9, thậm chí có thêm 1 lần hạ lãi suất vào tháng 12.

Tương tự, BOE có thể sẽ hạ lãi suất vào tháng 8 và thêm 1 lần nữa vào cuối năm 2024. Ngân hàng Trung ương Canada được dự báo sẽ hạ lãi suất 2 lần trong năm nay, lần lượt vào tháng 9 và tháng 12.

Trong số các ngân hàng trung ương lớn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang chịu áp lực phải cân bằng 2 bài toán là hỗ trợ đồng nhân dân tệ trước sức mạnh của USD và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc Fed trì hoãn hạ lãi suất tiếp tục tạo áp lực lên nhân dân tệ. Trong khi đó, sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng, nhất là nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nhiều nhà kinh tế dự báo, PBOC sẽ hạ lãi suất trong năm nay, nhưng sẽ chờ tới khi Fed đưa ra tín hiệu hạ lãi suất rõ ràng hơn. Dự kiến, PBOC bắt đầu nới lỏng tiền tệ vào tháng 9 năm nay, khi Fed bắt đầu chu kỳ đưa lãi suất đi xuống.

Tin bài liên quan