Các ngân hàng trung ương lớn đang có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách, ngay cả khi Fed thắt chặt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự tách rời tương đối khỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục khi ngân hàng trung ương này tạm dừng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng trung ương lớn đang có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách, ngay cả khi Fed thắt chặt

Một sự phân kỳ diễn ra có thể gây ra vấn đề cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm giảm bớt ảnh hưởng của các mức thuế quan mà ông đã lên kế hoạch áp dụng và thậm chí làm tăng nguy cơ các công ty và hộ gia đình Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay.

Fed là ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới và thường dẫn đầu các ngân hàng trung ương khác trong việc định hướng chính sách tiền tệ. Nhưng, khởi đầu năm 2025 không hề bình thường.

Nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ khác biệt với các nền kinh tế lớn khác đang gặp khó khăn trên toàn thế giới, kết hợp với sự không chắc chắn do các chính sách và mối đe dọa về thuế quan của Nhà Trắng đang gây khó cho việc Fed có thể cắt giảm lãi suất thêm nữa.

Thuế quan thúc đẩy lạm phát trong nước, vì vậy Fed đang duy trì lãi suất cao. Điều này đang làm đồng đô la Mỹ mạnh lên với cái giá phải trả là hầu hết các tiền tệ khác sụt giảm, và điều này khiến việc xuất khẩu sang Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, trái ngược với mong muốn của chính quyền Tổng thống Trump.

"Đồng franc yếu hơn cũng sẽ giúp ngành công nghiệp Thụy Sĩ bằng cách làm cho hàng xuất khẩu sang Mỹ rẻ hơn… Điều này cũng có thể bù đắp tác động của bất kỳ mức thuế quan nào mà Mỹ đặt ra", Karsten Junius, nhà kinh tế trưởng tại J.Safra Sarasin cho biết.

Khu vực đồng euro cũng có thể bù đắp một số khoản trừng phạt thông qua tiền tệ đã suy yếu 7% kể từ đầu mùa thu vừa qua.

"Để bảo vệ thị phần, các công ty châu Âu có thể sẵn sàng hy sinh một phần biên lợi nhuận… Một phần của sự hy sinh này có thể được phục hồi thông qua tỷ giá hối đoái. Vì vậy, cuối cùng, tác động chung có thể không lớn đến vậy", Piero Cipollone, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết.

Một đồng tiền yếu thường gây ra lạm phát vì nó khiến hàng nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng trở nên đắt hơn. Nhưng lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều nơi, một phần là do tăng trưởng yếu do căng thẳng thương mại gây ra và các nhà hoạch định chính sách dường như không bận tâm đến những diễn biến, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.

ECB, Ngân hàng Anh (BoE) và Ngân hàng Canada đều đã cắt giảm lãi suất trong những ngày gần đây ngay cả sau khi Fed tuyên bố không vội nới lỏng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và Ngân hàng Mexico cũng vừa cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng.

Tiff Macklem, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada cho biết, tác động của chênh lệch lãi suất đối với tiền tệ là "tương đối khiêm tốn", trong khi BoE cho biết mức giảm giá của đồng bảng Anh là nhỏ. Đồng bảng Anh đã giảm 7% so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 9.

Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đã hiệu chỉnh lại quan điểm của mình về mức lãi suất cần thiết của Mỹ, trong khi vài tuần trước đã thúc giục Fed cắt giảm lãi suất.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong tuần này rằng, khi Tổng thống Trump nói về việc muốn hạ lãi suất, ông ấy đang ám chỉ đến lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm - chìa khóa để xác định lãi suất vay trên thị trường thế chấp Mỹ và cho vay ngân hàng cho các doanh nghiệp - thay vì lãi suất ngắn hạn mà Fed đặt ra.

Sự khác biệt về chính sách cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, nền kinh tế Mỹ chỉ đơn giản là đang hoạt động tốt hơn, vì vậy sẽ cần một mức lãi suất cao hơn để dập tắt áp lực lạm phát không đáng có.

Tuy nhiên, khoảng cách lãi suất không thể tăng vô thời hạn.

"Điều khiến các ngân hàng trung ương lo lắng... là khi đồng tiền yếu đi đáng kể dẫn đến trái phiếu chính phủ bị bán mạnh, khiến đồng tiền yếu hơn nữa và lạm phát diễn ra…vòng xoáy đó là điều mà cuối cùng các ngân hàng trung ương thực sự cần phải giải quyết", Dominic Bunning, chiến lược gia ngoại hối toàn cầu tại Nomura cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách cũng có thể chùn bước nếu giá năng lượng tăng vọt trở lại, điều này có thể gây ra tác động kép đối với lạm phát vì dầu và khí đốt thường được giao dịch bằng đồng đô la Mỹ.

Một vấn đề khác là các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất ngắn hạn nhưng lãi suất dài hạn sẽ do thị trường chi phối và nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, các ngân hàng khác có khả năng sẽ làm theo.

Điều này sẽ khiến việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.

"Thông thường, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tăng hoặc giảm, trái phiếu châu Âu cũng sẽ đi theo hướng tương tự… Các công ty và hộ gia đình sẽ phải đối mặt với chi phí vay cao hơn, mặc dù lãi suất ngắn hạn đang được các ngân hàng trung ương cắt giảm", GianLuigi Mandruzzato, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Ngân hàng EFG cho biết.

Tin bài liên quan