Trong đó, tổng cộng 8 ngân hàng trung ương đã bổ sung vàng vào kho dự trữ trong tháng 5 với lượng mua ròng tổng cộng 50 tấn. Nhưng với việc Thổ Nhĩ Kỳ bán ra 63 tấn vàng vào tháng 5, lượng vàng nắm giữ ròng của ngân hàng trung ương toàn cầu đã giảm 27 tấn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bán gần 160 tấn vàng kể từ tháng 3. Theo WGC, đây là phản ứng đối với động lực của thị trường địa phương và không có khả năng phản ánh sự thay đổi trong chiến lược vàng dài hạn của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
“Vàng đã được bán vào thị trường nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng nhu cầu rất mạnh về vàng thỏi, tiền xu và đồ trang sức sau lệnh cấm nhập khẩu vàng thỏi tạm thời một phần”, WGC đánh giá.
Theo báo cáo của Reuters, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu vàng vào tháng 2 trong nỗ lực giảm bớt tác động kinh tế của các trận động đất nghiêm trọng.
Trong đó, Ba Lan đã mua vàng nhiều nhất trong tháng 5 khi bổ sung 19 tấn vàng vào kho dự trữ. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Quốc gia Ba Lan tiếp tục mua 15 tấn vàng vào tháng 4. Ba Lan hiện nắm giữ 263 tấn vàng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã kéo dài đợt mua vàng trong tháng thứ bảy liên tiếp với việc bổ sung 16 tấn vào kho dự trữ chính thức.
Kể từ khi bắt đầu báo cáo mua vào tháng 11/2022, PBOC đã bổ sung 144 tấn vào lượng vàng nắm giữ chính thức của mình. Lượng vàng mà Trung Quốc nắm giữ là 2.092 tấn.
PBOC đã tích lũy được 1.448 tấn vàng từ năm 2002 đến năm 2019, sau đó là khoảng thời gian không công bố cho đến khi tiếp tục báo cáo vào tháng 11/2022. Nhiều người suy đoán rằng, Trung Quốc tiếp tục thêm vàng vào danh sách nắm giữ trong những năm không công bố.
Năm ngoái, đã có sự gia tăng lớn không được báo cáo trong việc nắm giữ vàng của ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương thường không báo cáo các giao dịch mua bao gồm Trung Quốc và Nga. Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc là người mua bí ẩn dự trữ vàng để giảm thiểu tiếp xúc với đồng đô la.
Các ngân hàng trung ương của Singapore (4 tấn), Nga (3 tấn), Ấn Độ (2 tấn), Cộng hòa Séc (2 tấn), Iraq (2 tấn) và Cộng hòa Kyrgyzstan (2 tấn) là những người mua đáng chú ý khác trong tháng 5.
Một tuyên bố của ngân hàng trung ương Iraq cho biết: “Việc mua được thực hiện với mục đích tăng lượng vàng nắm giữ trước các điều kiện kinh tế và chính trị mà thế giới đang trải qua”.
Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan và Kazakhstan đều bán vàng, giảm lượng nắm giữ lần lượt là 11 tấn và 2 tấn. Hai ngân hàng này là những ngân hàng bán vàng nhiều nhất trong quý đầu năm nay.
Mặc dù tổng dự trữ toàn cầu giảm trong tháng 4 và tháng 5 do Thổ Nhĩ Kỳ bán ra, nhưng có vẻ như các ngân hàng trung ương không còn đẩy mạnh mua vàng như những quý trước. Sau khi lập kỷ lục vào năm 2022, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng trong quý đầu năm 2023 và lập kỷ lục mới trong quý I.
Dự trữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng thêm 228 tấn trong ba tháng đầu năm 2023. Con số này cao hơn 38% so với kỷ lục quý đầu năm được thiết lập vào năm 2013.
Tổng lượng mua vàng của ngân hàng trung ương trong năm 2022 là 1.136 tấn. Đây là mức mua ròng cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1950, kể từ khi ngừng chuyển đổi đồng đô la thành vàng vào năm 1971. Đây là năm thứ 13 liên tiếp ngân hàng trung ương mua ròng vàng.
Theo Khảo sát Dự trữ Vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2023 do Hội đồng Vàng Thế giới công bố gần đây, 24% ngân hàng trung ương có kế hoạch bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ trong 12 tháng tới, 71% ngân hàng trung ương được khảo sát tin rằng mức dự trữ toàn cầu nói chung sẽ tăng trong 12 tháng tới.