Các ngân hàng trung ương châu Á sử dụng công cụ phái sinh để bảo vệ tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng trung ương trên khắp châu Á đang sử dụng các công cụ phái sinh để bảo vệ tiền tệ trước đồng đô la mạnh, điều này đặt ra câu hỏi về việc các ngân hàng trung ương có thể thực hiện như vậy trong bao lâu và liệu rằng có tích trữ rắc rối cho tương lai hay không.
Các ngân hàng trung ương châu Á sử dụng công cụ phái sinh để bảo vệ tiền tệ

Số vị thế hợp đồng kỳ hạn bán khống ròng đồng đô la của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - số tiền mà đồng đô la sẽ được bán vào một ngày trong tương lai với mức giá được định trước - đã đạt mức cao kỷ lục là 68 tỷ USD vào tháng 12. Trong khi đó, vị thế hợp đồng kỳ hạn bán khống ròng của Ngân hàng Trung ương Indonesia đạt 19,6 tỷ USD trong tháng 12, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2015.

Vị thế bán khống tăng lên cho thấy sự thay đổi trong chiến lược giữa các ngân hàng trung ương can thiệp để bảo vệ tiền tệ. Nhưng việc sử dụng các công cụ phái sinh ngoài các giao dịch giao ngay để phòng hộ trước đồng đô la tăng cao đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro áp lực bán đang bị trì hoãn thay vì loại bỏ.

"Về cơ bản, nó đang đẩy giá trị tiền tệ mất giá sang một ngày sau đó….Tôi hơi lo lắng về viễn cảnh đó", Dhiraj Nim, chiến lược gia tiền tệ tại ANZ cho biết.

Đồng rupee Ấn Độ và đồng rupiah Indonesia là hai trong số những đồng tiền có hiệu suất kém nhất của châu Á trong 12 tháng qua, cả hai đều mất hơn 4% giá trị so với đồng đô la.

Rủi ro chính trị

Việc Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đã làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi. Các mối đe dọa về thuế quan của chính quyền Trump đã thúc đẩy làn sóng mất giá tiền tệ so với đồng đô la, trong khi việc ông sẵn sàng dán nhãn các quốc gia khác là những kẻ thao túng tiền tệ đã làm gia tăng sự giám sát chính trị đối với sự can thiệp.

“Rõ ràng đây là một vấn đề rất nhạy cảm, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại, khi Mỹ đang giám sát chặt chẽ thương mại công bằng và thao túng tiền tệ… Tôi không nghĩ rằng có mong muốn thực sự can thiệp quá mức vào thị trường”, Claudio Piron, đồng Giám đốc chiến lược tiền tệ và lãi suất tại Bank of America cho biết.

Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump vào ngày 20/1, một trong những tác động tới tiền tệ của các thị trường khác là việc ông kêu gọi các cơ quan liên bang giải quyết tình trạng thao túng tiền tệ của các quốc gia khác. Việc chỉ định này không đi kèm với hình phạt ngay lập tức nhưng có thể làm rung chuyển thị trường tài chính. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, trong khi Ấn Độ trước đây đã nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ.

Hợp đồng kỳ hạn có một số lợi thế chính đối với các ngân hàng trung ương, bao gồm chi phí có thể thấp hơn và thực tế là chúng không làm cạn kiệt nguồn cung tiền. Nhưng chúng cũng cho phép các ngân hàng trung ương che giấu các biện pháp can thiệp của mình. Các sản phẩm phái sinh không làm hao hụt dự trữ ngoại hối chính thức, điều này có thể giảm thiểu rủi ro thu hút sự bất mãn của Tổng thống Trump.

Malaysia cũng đã áp dụng chiến lược sử dụng hợp đồng kỳ hạn tiền tệ. Vị thế hợp đồng kỳ hạn bán khống ròng đồng đô la của nước này vào khoảng 27,5 tỷ USD vào tháng 11/2024, sau khi tăng khoảng 4 tỷ USD vào năm trước. Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Philippines đã giảm vị thế mua ròng hợp đồng kỳ hạn xuống chỉ còn 874 triệu USD.

Vào ngày 11/2/2025, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ bị nghi ngờ đã can thiệp mạnh để đẩy giá trị đồng rupee lên. Đồng tiền này đã tăng gần 1%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2022, kích hoạt lệnh dừng lỗ giữa những người bán khống đồng rupee. Các nhà giao dịch cho biết, ngân hàng trung ương đã can thiệp trên khắp các thị trường giao ngay và kỳ hạn.

Đồng đô la giảm

Về lý thuyết, sự sụt giảm gần đây của đồng đô la mang lại cho các ngân hàng trung ương một sự cứu cánh. Tổng thống Trump đã hoãn thuế quan đối với Canada, Colombia và Mexico. Chỉ số đồng đô la đã giảm hơn 1,8% kể từ đầu năm.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách cũng đang thay đổi chiến lược, với Thống đốc RBI Sanjay Malhotra dường như đang áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn để quản lý tỷ giá hối đoái. Theo các chiến lược gia, RBI đã giảm bớt các khoản cược của mình trên thị trường kỳ hạn và thay vào đó là tiến hành các hoạt động trong nước nhằm thúc đẩy thanh khoản trong nước.

Nhưng những lợi thế của hợp đồng kỳ hạn có nghĩa là chiến lược này có khả năng vẫn được các ngân hàng trung ương ưa chuộng.

Aaron Hurd, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao trong nhóm tiền tệ tại State Street Global Advisors cho biết: "Tôi thấy rất ít nhược điểm khi sử dụng thị trường kỳ hạn”. Ông cho biết các ngân hàng trung ương cần phải cẩn thận để không tạo ra vị thế hợp đồng kỳ hạn quá lớn, nhưng hiện tại, đó không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Tin bài liên quan