Ngân hàng trung ương các quốc gia châu Á thường gây bất ngờ cho thị trường với các chính sách của mình, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) là những cơ quan dẫn đầu trong danh sách “chuyên gia gây bất ngờ”, theo khảo sát các chính sách tiền tệ khu vực châu Á kể từ năm 2010 của Bloomberg Intelligence.
Bản đồ ngạc nhiên
“MAS và PBOC dẫn đầu danh sách các ngân hàng trung ương châu Á gây bất ngờ bậc nhất, với tỷ lệ lần lượt là 40% và 34% các quyết định được đưa ra đột ngột”, nhà kinh tế học Tom Orlik và Justin Jimenez tại Bloomberg Intelligence cho biết.
Mức độ gây bất ngờ của các cơ quan quản lý tiền tệ tại châu Á
Tuy nhiên, khi nhìn ở khía cạnh khác, dựa trên số các quyết định không thể đoán trước được đưa ra mà không tổ chức họp báo, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và Indonesia lại là những “chuyên gia” gây ngạc nhiên nhất kể từ năm 2010. Tiếp theo sau đó là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Xếp hạng minh bạch
Rà soát của Bloomberg chỉ ra rằng, việc có mức độ minh bạch được xếp hạng cao không đồng nghĩa với việc dễ đoán trước. Theo đó, khi xếp hạng dựa trên số lượng các họp báo công bố quyết định, văn bản cuộc hộp, bài phát biểu của lãnh đạo tiền tệ và các thông cáo báo chí, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là cơ quan nổi trội tại châu Á về mức độ minh bạch.
Tuy nhiên, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda vẫn có khả năng gây ngạc nhiên “đáng kinh ngạc” khi đưa ra một quyết định bất ngờ, hoặc gây sốc vì không hành động gì vào thời điểm được đoán định sẽ có sự thay đổi.
“Ngay cả khi thường xuyên cập nhật biên bản các cuộc họp, tổ chức họp báo, các giới chức tiền tệ châu Á vẫn luôn có thể đưa ra các quyết định bất ngờ. Thực tế, không cần các công cụ kể trên, các cơ quan này vẫn có thể đưa tín hiệu trước khi hành động ra thị trường nếu họ muốn”, báo cáo của Bloomberg nhận xét.