Các ngân hàng đã vượt qua hàng loạt trở ngại từ sự sụp đổ của các ngân hàng khu vực Mỹ đến khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và những nỗ lực bền bỉ của các ngân hàng trung ương nhằm hạ nhiệt lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Rào cản ngày càng cao hơn khi tâm lý trở nên tồi tệ trong những tuần gần đây khi lãi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt và các nhà đầu tư đánh giá lại mối đe dọa từ việc tăng trưởng chậm lại gây ra cho những người đi vay.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lượng phát hành của các ngân hàng và các công ty thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại trừ các công ty bất động sản, đã tăng khoảng 6% trong năm nay tính đến ngày 22/8, thời điểm nhanh nhất đạt 2.000 tỷ USD trong gần 1/4 thế kỷ mà Bloomberg theo dõi dữ liệu. Doanh số phát hành trái phiếu bằng đồng euro tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái và lần đầu tiên chiếm thị phần lớn nhất trên toàn cầu kể từ năm 2014, trong khi lượng chào bán trái phiếu bằng đô la giảm.
Doanh số phát hành trái phiếu bởi các ngân hàng và các công ty lĩnh vực tài chính từ đầu năm tới nay |
Lloyd Harris, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Premier Miton Investor cho biết: “Nếu thị trường vẫn tương đối mạnh mẽ, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét phát hành trái phiếu và các yêu cầu cấp vốn trước năm 2024”.
Các nhà đầu tư cho đến nay vẫn vui vẻ mua trái phiếu mà các công ty lĩnh vực tài chính phát hành khi đặt cược rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ hạ nhiệt nền kinh tế toàn cầu nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái sâu sắc.
Có nhiều kỳ vọng rằng khả năng nền kinh tế chậm lại sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các ngân hàng trung ương khác bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Trong khi đó, sau nhiều năm với lãi suất bằng hoặc gần bằng 0, các trái chủ cuối cùng đã được thưởng những khoản lợi suất béo bở.
Nhưng mối lo ngại đã tăng lên trong vài tuần qua. Việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh chóng đang gây áp lực lên người đi vay là doanh nghiệp và cá nhân ở nhiều quốc gia, khiến tỷ lệ vỡ nợ gia tăng và các vết nứt xuất hiện trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, các nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt trong tuần này lên mức cao nhất kể từ năm 2007 ở mức 4,36%, tăng từ mức 3,75% vào giữa tháng 7.
Một số nhà đầu tư cũng đang tránh xa các ngân hàng nhỏ hơn của Mỹ. Moody's Investor Service trong tháng này đã hạ xếp hạng tín nhiệm đối với 10 ngân hàng trong số đó, trong khi S&P Global Ratings cũng hạ xếp hạng tín nhiệm đối với một loạt ngân hàng của Mỹ vào đầu tuần này.
Pauline Chrystal, nhà quản lý quỹ tại Kapstream Capital cho biết: “Những ngân hàng tiếp xúc nhiều với bất động sản thương mại và với nhiệm vụ bảo thủ của chúng tôi, thật khó để biện minh cho việc mua trái phiếu những ngân hàng này sau những gì đã xảy ra với SVB”.
Bên ngoài nước Mỹ, rủi ro đối với các ngân hàng cũng đang gia tăng, bao gồm sự leo thang trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh.
Các công ty Trung Quốc là nhà phát hành trái phiếu tài chính lớn nhất trong năm nay với giá trị khoảng 410 tỷ USD, trong đó hơn 90% là bằng đồng nhân dân tệ. Tuần trước, S&P Global Ratings cho biết, các ngân hàng lớn của Trung Quốc cần có bộ đệm để chống chọi với hậu quả từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản và những tác động dây chuyền đối với các ngân hàng ngầm của nước này.
Các nhà đầu tư phải cân nhắc sức mạnh tổng thể của khu vực ngân hàng với khả năng đổ vỡ tài chính có thể gây ra những biến động trên thị trường.
Gavin Gunning, một nhà phân tích của S&P Global Ratings cho biết: “Trường hợp cơ bản của chúng tôi là chúng tôi không trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng tôi rất thận trọng đối với nguy cơ lây lan. Nó thường có thể mất khá nhiều thời gian để diễn ra và chúng ta đã thấy điều đó qua nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng trong quá khứ, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng tài chính châu Á”.