Mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng 03-0,5%
Thị trường ghi nhận thêm một loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi giữa tháng 5/2022, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank). Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm 2021 ở hầu hết ngân hàng thương mại.
Theo đánh giá của SSI Research, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng trong nửa đầu tháng 5/2022. Trong đó, xu hướng tăng tập trung ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao nhất 0,5%.
Đồng thời, lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng đã tăng 0,2% ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn.
Mục đích của các đợt tăng lãi suất huy động là để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng và huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất 8 năm nay trở lại đây.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 31/3/2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng, tăng khoảng 84.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 (tương ứng mức tăng 12%).Trong đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.
Theo số liệu NHNN đưa ra, dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối năm 2021 (tăng 16,4% so với cùng kỳ), trong khi mức tăng của huy động vốn chỉ là 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán BVSC cũng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động trung bình đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng tại hầu hết ngân hàng đã tăng liên tục từ đầu năm, cùng ở mức 0,08%, lên mức 4,9%/năm và 5,66%/năm.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất huy động từ đầu năm 2022.
Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng của nhóm này tiếp tục duy trì ở mức 3,78%/năm tháng thứ 11 liên tiếp và lãi suất kỳ hạn 12 tháng không đổi ở 4,95%/năm sau 9 tháng.
Tăng mạnh kỳ hạn tiền gửi dài ngày
Với các ngân hàng cổ phần top dưới đã điều chỉnh tăng lãi suất trong gần 5 tháng đầu năm nay, nhất là ở các kỳ hạn tiền gửi dài 12 tháng trở lên, áp dụng lãi suất từ 7%/năm lên 7,3%/năm, áp dụng với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Mức lãi suất cao nhất trên được áp dụng tại SCB, với các khoản tiền gửi tại quầy. Còn với tiền gửi online, SCB chủ yếu cộng thêm 0,3-0,35% so với lãi suất thông thường.
Hiện mức lãi suất cao nhất khách hàng gửi tiền online tại SCB có thể nhận được là 7,55%/năm, áp dụng với các kỳ hạn gửi 18 tháng trở lên.
Trong thông báo mới nhất, SHB cho biết, đang áp dụng chương trình cộng 1,1% lãi suất với khách hàng gửi tiết kiệm, áp dụng trên cả 2 kênh quầy và online.
Khi tham gia chương trình, khách hàng của SHB sẽ được cộng thêm 1% vào lãi suất tiền gửi hiện hành, áp dụng với hình thức gửi sổ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi.
Ngoài ra, khi gửi tiền tại quầy, khách hàng mới của ngân hàng còn được cộng thêm 0,1% lãi suất.
Như vậy, với biểu lãi suất tiền gửi cao nhất hiện ở 6,7%/năm (gửi online, kỳ hạn trên 36 tháng), khách hàng gửi tiền tại SHB có thể nhận mức lãi suất tối đa lên tới 7,8%/năm theo chính sách mới từ ngân hàng.
Khách gửi tiền Nam A Bank cũng có thể nhận được mức lãi suất tối đa lên tới 7,4%/năm, áp dụng với các khoản gửi online kỳ hạn trên 16 tháng.
Hai tại PVComBank cũng áp dụng mức lãi suất tối đa 7,25%/năm với tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng trở lên; CBBank trả lãi suất 7,05%/năm với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng.
Sở dĩ ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng cầu tín dụng tăng sau dịch. Đồng thời, việc tăng lãi suất với các kỳ hạn dài của các ngân hàng còn để đối phó với lộ trình NHNN đưa ra về việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro. Cụ thể, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, tỷ lệ trên sẽ giảm về 37%. Từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 còn 34%; và giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023.