“Các ngân hàng phải thông minh hơn”

“Các ngân hàng phải thông minh hơn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, VPBank khẳng định: “Thói quen và hoạt động tài chính của khách hàng đang biến đổi từng ngày, vì vậy, các ngân hàng sẽ ngày càng phải thông minh hơn”.

Sáng 18/11, Hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 đã được Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và trong Nghị quyết này, Việt Nam cũng đã xác định, ngành ngân hàng tài chính là một trong ngành ưu tiên, trọng tâm và tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

Đồng thời, TS. Nguyễn Đức Hiển cũng nhấn mạnh, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 là phát triển kinh tế số, xây dựng các đô thị thông minh, và xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

“Như vậy, để xây dựng và phát triển kinh tế số thì một trong những ngành đóng vai trò rất quan trọng đó là ngân hàng, được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân và cũng là ngành tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, phát triển, cần đề xuất các chủ trương chính sách, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”, TS. Nguyễn Đức Hiển nói.

Theo đó, đối với ngành ngân hàng, trên cơ sở Nghị quyết 52 và Quyết định 749 về chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đã ban hành Kế hoạch số 810 ngày 11/5/2021 về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong Kế hoạch này, NHNN Việt Nam cũng xác định một trong những mục tiêu tổng quát là phát triển ngân hàng số, ngân hàng thông minh. Và quá trình triển khai Nghị quyết 52 trong hơn 2 năm qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, với sự tham gia của cộng đồng các ngân hàng, cũng như là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số.

Sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen. Cụ thể, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý IV/2018 lần lượt là 22% và 28% và gần 3 năm sau, quý III/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn. Kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cho thấy, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết, họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát.


Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, VPBank phát biểu tại Hội thảo

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, VPBank phát biểu tại Hội thảo

“Người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn,” ông Khương nói và nhấn mạnh rằng các ngân hàng cũng phải “thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn.”

Đại diện VPBank cho rằng, một ngân hàng thông minh là cần phải đi trước đón đầu các nhu cầu của khách hàng. “Nhiều khi khách hàng chưa phát hiện ra họ đang có nhu cầu như vậy, ngân hàng thông mình cần mang tính chất gợi mở cho khách hàng về những sản phẩm, dịch vụ có thể khách hàng sẽ cần đến trong tương lai,” ông Khương nói.

Quá trình chuyển đổi số, dựa trên phương thức lấy khách hàng làm trọng tâm để đưa ra các dịch vụ, sản phẩm, của VPBank có thể là một ví dụ điển hình cho mô hình ngân hàng thông minh trong tương lai. Trong vài năm trở lại đây, VPBank đã thực hiện một chiến lược chuyển đổi số toàn diện, đưa các dịch vụ, sản phẩm tài chính của ngân hàng lên các kênh số hóa, thậm chí cả dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Ông Khương cho biết, hiện 100% sản phẩm và dịch vụ của VPBank đều có thể được cung ứng qua các kênh số hóa để trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Đối với khách hàng cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc mở tài khoản trực tuyến qua các app ngân hàng như VPBank NEO và VPBank NEOBiz đã trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều nhờ phương thức eKYC. Khách hàng cũng hoàn toàn có thể mở thẻ tín dụng hoặc đăng ký vay tín chấp và được giải ngân hoàn toàn qua app với thời gian chỉ vài phút, thay vì phải đến các phòng giao dịch truyền thống như trước đây.

Không chỉ vậy, đoán biết được mong muốn sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi và mọi thiết bị, VPBank đã phát triển ứng dụng VPBank NEO trở thành một hệ sinh thái dễ dàng kết nối với các đối tác. Khả năng này giúp khách hàng có thể mua sắm, chi tiêu và đầu tư tài chính ngay trên ứng dụng ngân hàng.

Nhờ đó, tính đến hết tháng 9/2021, tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%, thoả mãn thói quen mới thích tự phục vụ, tự trải nghiệm của người dùng. Tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh. Bên cạnh đó, hơn 80% dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được VPBank giải quyết và cung cấp qua kênh tổng đài và các kênh trực tuyến khác.

“Thị trường ngân hàng đang trong giai đoạn mà tổ chức nào có khả năng dẫn dắt khách hàng đến với những dịch vụ số hóa mới nhất, tiên tiến nhất trước thì sẽ giành được thị phần nhanh hơn, không những thế, còn có thể giữ chân khách hàng ở lại lâu hơn bởi công nghệ số hóa có tính hấp dẫn khó cưỡng. VPBank tự hào bởi chúng tôi đã phần nào hiểu và vận dụng được triết lý này vào hoạt động kinh doanh của mình,” ông Khương chia sẻ.

Tin bài liên quan