Các ngân hàng đẩy mạnh kích cầu cho vay đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay những ngày sau Tết Giáp Thìn khi mặt bằng lãi suất giảm dần, song tín dụng được dự báo khó tăng cao trong quý I/2024 và dự báo cả năm 2024 chưa thể đột biến.
Các ngân hàng đẩy mạnh kích cầu cho vay đầu năm

Đẩy mạnh cho vay

Ngày 7/2/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Công văn số 1088/NHNN-CSTT về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).

Nội dung Công văn số 1088/NHNN-CSTT nêu rõ, ngày 31/12/2023, NHNN thông báo giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các TCTD để các TCTD chủ động, quyết liệt tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, NHNN cho hay, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị số 01 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, TCTD tập trung quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, TCTD tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và qua đó góp phần thúc đẩy chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng đã kích cầu tín dụng ngay từ trước và sau Tết Giáp Thìn. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm. Khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm, dịch vụ khác của SHB được giảm thêm tối đa 0,8%/năm.

Nam A Bank cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2%/năm so với cuối đầu 2022. Sacombank bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng, nâng hạn mức gói lên thành 35.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. Gói vay mới phục vụ đời sống có hạn mức 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Cả hai gói vay triển khai đến hết ngày 31/3/2024.

BVBank có gói tín dụng vay linh hoạt với lãi suất từ 6,5%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu từ ngày giải ngân cho khách hàng có nhu cầu vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà…

ACB áp dụng lãi vay mua nhà khoảng 7-8%/năm hoặc cố định 9%/năm trong thời gian dài là 2 năm đầu tiên. OCB áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7-8%/năm, còn nếu không khuyến mãi mức lãi vay vào khoảng 10%/năm. Lãi suất cho vay mua nhà tháng 1/2024 tại VPBank ở mức 5,9%/năm. HDBank áp mức lãi vay ưu đãi 6,8%/năm. MSB cho vay mua nhà lãi suất 6,8%/năm...

Đối với ngân hàng có vốn nhà nước, từ đầu năm 2024, khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà sẽ được BIDV áp lãi suất từ 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 7%/năm trong 12 tháng đầu; thời gian vay tối thiểu là 36 tháng. Vay từ 60 tháng trở lên, khách được ưu đãi lãi suất từ 7,5-8,5%/năm. Trong khi đó, Vietcombank cho vay mua nhà từ 7%/năm trong 12 tháng đầu hoặc khách hàng vay mua, xây sửa nhà, đất ở với lãi suất 7,3%/năm trong 18 tháng đầu.

Tuy được cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay đầu năm, song lãnh đạo các nhà băng cho hay trong quý đầu năm, tín dụng khó tăng cao. Lý do là những doanh nghiệp có nhu cầu nhập hoặc dự trữ hàng phục vụ dịp Tết đã vay trong những tháng cuối của năm 2023.

Còn thông thường quý I, tín dụng chưa cải thiện nhiều, nhất là trước bối cảnh sức mua của thị trường còn yếu như hiện nay.

Kỳ vọng tín dụng tăng?

Theo số liệu NHNN, 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt mức 6,9%, nhưng cả năm đạt 13,71%. Như vậy, chỉ trong quý cuối năm 2023, tín dụng tăng đến 6,81%, gần bằng 3 quý đầu năm 2023.

Tuy nhiên, với năm 2024, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) và Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ kỳ vọng, mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 13-14%.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định, tình hình kinh tế thế giới 2024 còn khó khăn, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên dù lãi suất giảm, doanh nghiệp cũng chưa biết vay để làm gì, nếu không có thêm giải pháp để kích cầu thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của BSC cho rằng, sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản được cho là yếu tố chính quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng trong năm 2024, khi dư nợ bất động sản hiện chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thị trường cũng kỳ vọng, các vấn đề pháp lý dần được tháo gỡ khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ giúp thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại từ nửa cuối 2024. Điều này sẽ giúp tăng trưởng tín dụng thực sự cải thiện trong năm nay.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thì nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành ngân hàng.

NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo cung ứng vốn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách có liên quan để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới, như: nghiên cứu để có thể từng bước tháo bỏ cơ chế hạn mức tín dụng để tiến tới tạo chủ động cho ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được mức tăng trưởng tín dụng chung cả nền kinh tế phù hợp yêu cầu kiểm soát lạm phát và an toàn lành mạnh của các tổ chức tín dụng; kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024...

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, cắt giảm các loại phí không cần thiết; tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, NHNN cho rằng, cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...

Tin bài liên quan