Theo Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Vì thế, theo HĐQT của các nhà băng chưa niêm yết, việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM sẽ sớm được triển khai sau khi trình đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mới có Kienlongbank chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Theo thông báo của HĐQT Kienlongbank, thời điểm chốt danh sách cổ đông là 16h30 ngày 15/10/2016. Trước đó, tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông diễn ra trong quý II/2016, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank chia sẻ, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán được xem là động thái để nâng cao tính minh bạch hoạt động của Ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông. Tuy nhiên, do diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa nhận được sự quan tâm nhiều từ nhà đầu tư, nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông.
Tại OCB, ở kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 diễn ra trong quý II, HĐQT nhà băng này cũng cho biết, sẽ sớm đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM sau khi trình đại hội thông qua. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, Ngân hàng sẽ xem xét khi thị trường thích hợp sẽ đưa cổ phiếu lên thị trường UPCoM. Đồng thời, OCB còn triển khai kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng so với mức hiện nay là 4.500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2016. Hiện đã sang quý IV nhưng kế hoạch trên của OCB vẫn chưa có động tĩnh mới.
Tương tự, HĐQT VietA Bank đã trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM và tăng thêm vốn điều lệ năm 2016. HĐQT VietA Bank còn cho biết, theo quy định tại Thông tư 180, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM trong vòng 1 năm kể từ ngày này.
Vì vậy, HĐQT VietA Bank trình cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định việc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM hoặc niêm yết tại HNX hoặc HOSE, tùy theo tình hình thực tế của Ngân hàng và thị trường. Thế nhưng, năm tài chính 2016 chỉ còn lại khoảng hơn 2 tháng mà kế hoạch trên của VietA Bank vẫn chưa được triển khai.
Không chỉ các ngân hàng nhỏ phải chạy đua thời gian đưa cổ phiếu lên UPCoM khi thời hạn còn lại không nhiều, mà ngay cả những nhà băng lớn như Techcombank, VPBank… cũng cho biết, đã trình đại hội đồng cổ đông về kế hoạch sớm đưa cổ phiếu lên UPCoM hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức. Techcombank đã trình cổ đông thông qua việc đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM hoặc đăng ký niêm yết chứng khoán trên HNX/HOSE.
HĐQT VPBank cũng cho biết, đơn vị này đang xúc tiến các thủ tục để lên sàn và hiện đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định thì đến hết năm 2016, các ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết UPCoM, do đó VPBank sẽ tuân thủ quy định này.
Nhiều ngân hàng có kế hoạch lên giao dịch tại UPCoM, nhưng ngoài Kienlongbank, các ngân hàng vẫn chưa chốt danh sách cổ đông. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, đều phải lên sàn UPCoM, không bắt buộc sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu, cũng như việc công bố thông tin.
Ngân hàng Nhà nước và UBCK đã nhiều lần có công văn nhắc chủ trương và lộ trình tất cả các ngân hàng thương mại phải lên niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính, điều này mới dừng lại ở nhắc nhở, không mang tính bắt buộc nên nếu thị trường chưa phù hợp, các nhà băng sẽ không mặn mà với việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, kể cả UPCoM.