Credit Suisse đang trong tầm ngắm mua lại của “đại gia” ngân hàng UBS Group.

Credit Suisse đang trong tầm ngắm mua lại của “đại gia” ngân hàng UBS Group.

Các ngân hàng châu Âu sốt sắng sáp nhập để sinh tồn

0:00 / 0:00
0:00
Sáp nhập là phương án các ngân hàng châu Âu khó có thể cưỡng lại trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19 và giờ sinh mạng của họ trở nên mong manh hơn lúc nào hết.

"Cơn đau" sẽ bộc phát vào năm tới

Đại dịch Covid-19 đẩy các ngân hàng ốm yếu ở châu Âu vào tình thế phải sáp nhập mở rộng quy mô hay "khai tử". Tại thủ đô của các nước châu Âu, nhiều ngân hàng đang tìm cách sáp nhập sau một thập kỷ ghi nhận lợi nhuận thấp. Cùng với đó, họ lên kế hoạch đối phó với thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, triển vọng kinh tế ảm đạm và các khoản nợ xấu tăng lên do người vay gặp khó khăn trong duy trì việc làm và hoạt động kinh doanh thời Covid-19.

Thực trạng này thấy rõ ở các quốc gia bị tác động nặng nề bởi Covid-19, đơn cử như Tây Ban Nha và Italy hay thậm chí những quốc gia cạn tiền để kích thích nền kinh tế như Hy Lạp.

Phía các ngân hàng cũng đang mắc kẹt trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư do giá cổ phiếu giảm sâu. Chỉ số chuyên biệt Stoxx Europe 600 Banks của ngành ngân hàng châu Âu "bốc hơi" 40% từ đầu năm đến nay. Giá trị giao dịch chỉ bằng một phần nhỏ so với tài sản ròng của các ngân hàng châu Âu, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư hoài nghi về khả năng sinh tồn cũng như sinh lời của các ngân hàng này.

João Soares, chuyên gia tư vấn tài chính của Công ty tư vấn quản lý Bain & Company (Mỹ) dự đoán, "cơn đau đớn" của các ngân hàng châu Âu sẽ thực sự bắt đầu vào năm 2021 và đến lúc đó, họ cần chuẩn bị để đối mặt với "bão tố".

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cơ quan giám sát các ngân hàng lớn nhất của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), gần đây ban hành dự thảo hướng dẫn cách thức xử lý một số vấn đề phổ biến trong hoạt động sáp nhập nhằm khuyến khích các ngân hàng có ý định thực hiện các thương vụ.

"Trước khi cuộc khủng hoảng Covid-19 ập đến, việc cắt giảm chi phí và cơ cấu lại ngành ngân hàng đã là yêu cầu quan trọng", ông Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu trả lời báo chí gần đây. Ông Luis de Guindos cho rằng, đại dịch càng đẩy nhanh yêu cầu đó và thôi thúc các ngân hàng khẩn trương hợp nhất.

Sáp nhậplà chuyện sống còn

Sáp nhập mà cụ thể là động thái gom nhặt và đóng cửa các chi nhánh đang hoạt động chồng chéo cùng việc sa thải lượng lớn nhân viên, đang được các ngân hàng châu Âu xác định là giải pháp tinh gọn các bảng cân đối kế toán và đồng thời giúp cắt giảm lượng lớn chi phí.

“Đại gia” UBS Group của Thụy Sĩ đang cân nhắc phương án thâu tóm đối thủ trong nước là Credit Suisse. Đây là 2 ngân hàng hàng đầu của Thụy Sĩ đã đối phó đại dịch tốt hơn so với các tổ chức tín dụng khác ở châu Âu, nhờ hoạt động tập trung vào quản lý tài sản toàn cầu trong khi nền kinh tế trong nước tương đối mạnh.

Giới thạo tin ngân hàng cho hay, việc hợp nhất hai "ông lớn" ngân hàng Thụy Sĩ vốn là chủ đề bàn tán lâu nay và gần đây được UBS xác định là giải pháp giúp cắt giảm chi phí và duy trì cạnh tranh trước các đối thủ ở Mỹ và các quốc gia khác ở châu Âu. Tuy nhiên, hiện chưa có cuộc đàm phán nào chính thức nào giữa hai bên. Các chuyên gia cho rằng nhiều rào cản sẽ phải được gỡ bỏ để thuận đường cho thương vụ hợp nhất trên.

Một nguồn thạo tin của Tạp chí Phố Wall cho biết, tại Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, CaixaBank SA đang trong quá trình mua lại Bankia SA để hình thành ngân hàng lớn nhất tại xứ sở bò tót, trong khi Banco de Sabadell SA cũng xem xét nhiều phương án, bao gồm việc sáp nhập với một đối tác trong nước.

Về vấn đề này, người phát ngôn của Banco de Sabadell SA khẳng định ngân hàng này vẫn có kế hoạch hoạt động độc lập, nhưng sẽ nghiên cứu khả năng tăng vốn.

Ông Christian Sewing, CEO của Deutsche Bank AG (Đức) - ngân hàng từng thất bại khi đàm phán mua lại đối thủ Commerzbank hồi năm ngoái - gần đây cho biết Deutsche Bank muốn thực hiện sáp nhập nếu cải thiện được lợi nhuận, trong khi bản thân Commerzbank cũng đang gặp khó trong việc kiếm lời và có thể sẽ phải "kết hôn" với một đối tác phù hợp.

Làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng châu Âu đã được nhắc đến nhiều trong thập kỷ qua do các quốc gia ở “lục địa già” có hệ thống ngân hàng phân tán với quá nhiều ngân hàng thành viên và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) rất thấp hoặc thậm chí bằng 0.

Tỷ suất ROE, một thước đó quan trọng về khả năng sinh lời, của các ngân hàng châu Âu đã giảm còn 1,3% vào cuối quý I/2020, từ mức 5,7% vào cuối năm 2019. Trong khi nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn để trang trải chi phí thì tại Mỹ, các ngân hàng lại lớn mạnh lên cùng nền kinh tế này trong nhiều năm qua và thậm chí họ mạnh tay đầu tư vào cải tiến công nghệ và tích lũy vốn mà không cần huy động vốn từ các cổ đông.

Làn sóng M&A ngành ngân hàng châu Âu lại gặp khó do các rào cản pháp lý cùng việc hình thành đội ngũ quản lý đơn vị sau khi sáp nhập. Nhiều cuộc trao đổi giữa các ngân hàng châu Âu đã diễn ra nội bộ và chưa thể chuyển thành các cuộc đàm phán chính thức về M&A. Hầu hết các cuộc trao đổi đó mới dừng ở mức độ thỏa thuận trong nước để cắt giảm chi phí hoạt động mà chưa đi đến thương vụ xuyên biên giới. Do vậy, để các thương vụ được hoàn tất, đòi hỏi sự can thiệp sâu hơn và tháo gỡ của chính phủ các nước châu Âu.

Tuy nhiên, tình thế hiện nay khiến làn sóng M&A các ngân hàng châu Âu dâng cao và trở thành việc phải làm hơn bao giờ hết, theo các giám đốc điều hành ngân hàng và chuyên gia trong ngành. "Chúng tôi đang trong thời điểm gián đoạn. Và khi có sự gián đoạn, chúng tôi phải phản ứng với nó", Chủ tịch Bankia, ông José Ignacio Goirigolzarri cho biết.

Hai tuần sau công bố tiến hành sáp nhập, Bankia và CaixaBank đã nhất trí được thỏa thuận sáp nhập và nguyên nhân đi đến sáp nhập là do tác động của đại dịch và tình trạng lợi nhuận thấp do lãi suất thấp kéo dài. Trước đó, Bankia gần như sụp đổ và từng được chính phủ Tây Ban Nha giải cứu và giữ lại lượng lớn cổ phần vào năm 2012.

Chủ tịch Bankia cho biết, đơn vị được sáp nhập sẽ nắm giữ khoảng 25% các khoản vay và tiền gửi của Tây Ban Nha và thu khoảng 900 triệu USD chi phí hàng năm. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Tây Ban Nha có tỷ lệ chi nhánh ngân hàng trên đầu người cao hơn hầu hết bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới, với khoảng 55 chi ngánh ngân hàng/100.000 dân, cao gần gấp đôi so với Mỹ.

Một loạt ngân hàng khác tại châu Âu cũng đang xúc tiến các cuộc trao đổi nội bộ để tìm đường ra thời Covid-19, trong đó có cả phương án sáp nhập. Ngay cả những ngân hàng có tình trạng "sức khỏe" tốt hơn vốn không mặn mà sáp nhập thì nay cũng mong ngóng sớm nhập cuộc khi chính phủ các nước châu Âu sốt ruột muốn tìm ra vị cứu tinh cho những ngân hàng yếu kém.

Mặt khác, nhiều đơn vị cho vay khác đang tiến hành định vị lại bản thân nếu phải tiến hành các thương vụ M&A xuyên biên giới.

"Sáp nhập, ngay bây giờ, là một động thái sống còn", một quan chức ngân hàng ở Tây Ban Nha cho biết: "Các ngân hàng cần phải tăng quy mô để đối phó với những bất ổn do Covid gây ra", vị này nói thêm.

Từ đầu năm đến nay, kết quả hoạt động mà các ngân hàng châu Âu công bố tương đối ổn định, tạo cảm giác rằng họ đang chống chịu tốt trước cơn suy thoái kinh tế nghiêm trọng của toàn cầu và châu lục.

Thế nhưng, nhìn sâu hơn vào vấn đề thì kết quả tương đối ổn định của ngành ngân hàng là nhờ nỗ lực của chính phủ các nước châu Âu trong việc thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế, mà cụ thể bơm tiền cho doanh nghiệp để duy trì việc làm cho người dân và yêu cầu các ngân hàng tạm ngừng thu nợ của khách hàng. Một khi các chương trình hỗ trợ trên được dỡ bỏ, các nhà phân tích cảnh báo sẽ có làn sóng vỡ nợ của các ngân hàng châu Âu, đẩy các ngân hàng "sức khỏe" yếu đến bờ vực phá sản.

Tin bài liên quan