Ba kịch bản tăng trưởng
Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng kể từ khi công cuộc Đổi mới được bắt đầu vào năm 1986. Những nỗ lực cải cách mạnh mẽ và sâu rộng từ sau Đại hội Đảng XII năm 2016 đã tạo nên những bước tiến quan trọng cả về chất và lượng trong nhịp độ phát triển kinh tế.
Mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 3 năm qua 2016 - 2018 là 5,5%, cao hơn hẳn Thái Lan (3,2%), Hàn Quốc (2,4%) và tiến gần đến mức tăng của Trung Quốc (6,1%). Tuy nhiên, để bắt kịp các quốc gia này trong các thập kỷ tới, Việt Nam cần có những cố gắng phi thường. Nhận định này dựa trên ba kịch bản dưới đây.
Kịch bản 1: Giả định Việt Nam cũng như các nước so sánh (trừ Trung Quốc) sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân như 3 năm vừa qua trong các thập kỷ tới.
Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ cần gần 2 thập kỷ (đến năm 2036) để đạt được mức GDP đầu người (theo sức mua tương đương) 16.000 USD của Thái Lan và Trung Quốc năm 2018; đến năm 2050, Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người (theo sức mua tương đương) ở mức 36.000 USD, ngang bằng với Hàn Quốc năm 2018.
Kịch bản 2: Giả định về tăng trưởng ở các nước so sánh tương tự như ở Kịch bản 1 trong khi Việt Nam tăng tốc trong nỗ lực cải cách, đưa mức tăng trưởng GDP lên 7,0-7,5% và GDP bình quân đầu người tăng trung bình 6,0%/năm. Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ đạt được mức GDP tính theo đầu người (theo sức mua tương đương) năm 2018 của Thái Lan và Trung Quốc (16.000 USD) vào năm 2034 và của Hàn Quốc (36.000 USD) năm 2048. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa bắt kịp Thái Lan và các nước so sánh vào giữa thế kỷ này.
Kịch bản 3: Giả định về tăng trưởng ở các nước so sánh tương tự như ở Kịch bản 1 trong khi Việt Nam có những nỗ lực phi thường, tăng trưởng GDP đạt 7,5 - 8,5% và GDP bình quân đầu người tăng trung bình 7,0%/năm.
Theo kịch bản này, Việt Nam sẽ đạt được mức GDP tính theo đầu người (theo sức mua tương đương) năm 2018 của Thái Lan và Trung Quốc (16.000 USD) vào ngay đầu thập niên 2030 và của Hàn Quốc (36.000 USD) vào trước năm 2045. Theo đó, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan về thu nhập GDP bình quân đầu người vào trước năm 2045.
Ba kịch bản trên cho thấy, khả năng bắt kịp của Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực cải cách trong các năm tới. Kịch bản 3 chỉ ra rằng, Việt Nam có thể tạo nên câu chuyện phát triển thần kỳ nếu có những nỗ lực cải cách phi thường.
Năm ưu tiên chiến lược hàng đầu
Để mở ra Kịch bản 3 cho công cuộc phát triển, cần đặc biệt coi trọng thực hiện 5 ưu tiên chiến lược hàng đầu.
Thứ nhất là định vị chiến lược. Việt Nam có dân số lớn, dồi dào sức trẻ, nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt thuận lợi trong trào lưu trỗi dậy của châu Á và là một nền kinh tế mở đã hội nhập sâu. Định vị trở thành một tâm điểm phát triển toàn cầu trong thế kỷ XXI sẽ giúp Việt Nam khai thác các thế mạnh của mình và tạo sức bật trong công cuộc phát triển.
Thứ hai là gia cường mạnh mẽ và đồng bộ cả 4 trụ cột của nền tảng phát triển: thị trường, thể chế, con người và văn hóa
Sẽ không thể có một thị trường mạnh, nếu thể chế yếu, cho dù độ hội nhập thương mại và đầu tư có sâu đến đâu. Nguồn lực con người sẽ không mạnh, cho dù thông thạo tiếng Anh và kỹ năng số đến đâu, nếu xã hội không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa uyên thâm về trí tuệ, cao cả về tầm nhìn, nhân cách....
Thứ ba là xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Đây là điều kiện nền tảng để một quốc gia phát triển. Kinh nghiệm các nước thành công cho thấy, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú đòi hỏi 3 điều kiện tiên quyết: nhận thức về tầm quan trọng của bộ máy công quyền; tính công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm của bộ máy công quyền; tính hiệu quả và hiệu lực trong thiết kế bộ máy.
Thứ tư là hoạch định lộ trình cải biến chiến lược cho từng ngành và địa phương.
Mỗi ngành, địa phương đều có đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển, nên cần hoạch định lộ trình phát triển 5-10-20 năm tới. Các cải cách về thể chế và sáng kiến chính sách cần được thiết kế và triển khai để hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời cho các ngành và địa phương.
Thứ năm là củng cố lòng tin của nhân dân. Quyền năng của một hệ thống chính trị trong công cuộc cải cách phát triển dựa trên 3 trụ cột: lòng tin của dân; khả năng thu hút và sử dụng hiền tài; năng lực hoạch định và thực thi chiến lược. Nếu xem nhẹ các trụ cột này, các nỗ lực cải cách khác sẽ khó đem lại kết quả mong muốn.
Để tiến hành một công cuộc cải cách sâu rộng, đòi hỏi không chỉ sức mạnh tinh thần của khát vọng dân tộc, mà cả tầm nhìn khai sáng hấp thu từ tinh hoa tri thức nhân loại và những nền tảng thể chế được thiết kế khoa học, giúp tạo lên sức mạnh tổng lực, nội sinh của toàn xã hội. Nỗ lực cải cách của Đảng và Chính phủ trong 3 năm qua đã tạo nền tảng bước đầu cho Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, cao hơn trước, cả về lượng và chất. Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự cất cánh, Việt Nam phải có những nỗ lực phi thường, mang tầm thời đại và khát vọng ngàn năm của dân tộc.
Bài viết này được trích từ Báo cáo Sách trắng thường niên của Vietnam Report, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2019: Cơ hội và sức ép từ Hiệp định CPTPP”. Báo cáo này sẽ được phát hành tại Lễ công bố 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2018 (VNR500) do Vietnam Report phối hợp với Báo VietNamNet tổ chức ngày 16/1/2019 tại Khách sạn REX (TP.HCM).