Các khu công nghiệp Long An giữ nhịp hút vốn đầu tư

Với lợi thế cửa ngõ kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tích cực xúc tiến đầu tư, nên các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Long An lại có thêm một năm “hút” vốn thành công.

Khu công nghiệp Thịnh Phát có hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Ngọc Tuấn

Khu công nghiệp Thịnh Phát có hạ tầng đồng bộ. Ảnh: Ngọc Tuấn

Ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Long An (LAEZA) cho biết, tính đến ngày 22/12/2014, LAEZA đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 139 dự án, tăng gần 69,51% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án nói trên thuê lại hơn 138,46 ha đất trong các KCN, tăng tới 74,24% so với cùng kỳ.

Cũng theo LAEZA, vốn đầu tư, gồm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước đổ vào các KCN đều tăng khá.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, các KCN tại Long An đã thu hút 75 dự án FDI, tăng 120,58% về số lượng; với vốn đăng ký hơn 423,635 triệu USD (gồm vốn đầu tư mới và vốn điều chỉnh tăng thêm), tăng 142,83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tiều nhận xét, số vốn FDI tăng khá là dấu hiệu tích cực cho thấy, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Long An đang được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, đã có 54 dự án đầu tư trong nước mới, tăng hơn 42% về số lượng, với vốn đăng ký 3.596 tỷ đồng, tăng 66,5%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Các kết quả trên đã giúp Long An giữ vị trí trong nhóm các tỉnh thu hút đầu tư lớn trong cả nước và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu ĐBSCL.

Nhiều tập đoàn nước ngoài lớn đã “cập bến” Long An bắt đầu triển khai kế hoạch đầu tư kinh doanh của mình. Ví dụ như Yu Yuang (Đài Loan), với dự án 58 triệu USD sản xuất sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim… tại KCN Phúc Long; Tập đoàn Huafu đầu tư 136 triệu USD cho dự án nhuộm, sản xuất sợi tại KCN Thuận Đạo... Trước đó, có thể kể đến dự án 130 triệu USD sản xuất chế biến các loại sản phẩm ván gỗ nhân tạo của Vina Eco Board tại KCN Phú An Thạnh hay Dự án Nhà máy sản xuất bia của Sapporo trị giá 98 triệu USD tại KCN Đức Hòa 3 - Việt Hóa.

Ông Mai Trí Hiếu, Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng Phúc Long, chủ đầu tư KCN Phúc Long nhận định, dòng vốn đầu tư vào Long An đang có tín hiệu rất tích cực, khi nền kinh tế trên đà phục hồi. “Vị trí chiến lược cận kề và được kết nối với TP.HCM bằng đường cao tốc, gần cảng biển, hạ tầng giao thông được cải thiện tăng tính liên kết cả nội và ngoại vùng. Ngoài ra, hạ tầng các KCN dần được hoàn thiện và đặc biệt, cải cách hành chính có bước tiến tích cực là lý do để Long An nắm bắt cơ hội thu hút đầu tư tốt hơn”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Tiều cho biết thêm, thời gian qua, tỉnh Long An đã phối hợp chặt chẽ với các công ty đầu tư hạ tầng KCN chủ động và tích cực xúc tiến đầu tư. Riêng năm 2014, LAEZA đã tổ chức 2 chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, với kết quả đạt được khá khả quan. Hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ cũng được đẩy mạnh thông qua việc chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đang đầu tư, kinh doanh tại Long An.  Nhiều KCN, như Hải Sơn, Long Hậu, Phúc Long, Vĩnh Lộc 2... đều có tình hình thu hút vốn đầu tư khá tốt.

Năm 2015, LAEZA sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiều giải pháp nhằm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh để tạo đột phá trong công tác thu hút đầu tư. Long An đang từng bước xây dựng chính quyền năng động, quản lý, điều hành hiệu quả nhằm tạo niềm tin từ nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp; tích cực cải thiện môi trường đầu tư bằng các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

“LAEZA sẽ ưu tiên chọn lọc dự án theo Quy hoạch Phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và chuyên ngành, dự án có hàm lượng công nghệ cao, nhà đầu tư dồi dào tài chính và dự án thân thiên với môi trường”, ông Tiều nói.

Tin bài liên quan