Các khu công nghiệp Bắc Ninh "nhập khẩu" lượng lớn lao động

0:00 / 0:00
0:00
Phần lớn lao động tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh là người nhập cư, trong đó trên 60% lao động nữ; cụ thể, hơn 71% lao động từ địa phương khác và trên 1,5% là người nước ngoài.
Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đây là kết quả nghiên cứu được các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tại Hội thảo "Nghiên cứu các vấn đề về giới trong di cư trong nước và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam" diễn ra ngày 23/4 tại Hà Nội.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lao động trong nước. Trong giai đoạn vừa qua (2005-2019), chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp làm chủ đạo sang công nghiệp và dịch vụ kéo theo sự thay đổi cơ cấu lao động.

Tương quan giữa cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với cơ cấu lao động của ngành nông nghiệp là mối tương quan nghịch. Nghĩa là khi cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp và dịch vụ thì cơ cấu lao động nông nghiệp giảm đi và cũng dịch chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Đây là một trong những nguyên nhân của di cư lao động ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng thay đổi cơ cấu kinh tế làm tăng dòng dịch chuyển nguồn lao động. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ đạo sang công nghiệp làm chủ đạo, khiến số người di cư từ nông thôn ra thành thị và các vùng phụ cận ngày càng lớn, đặc biệt tại các khu công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Đơn cử, Bắc Ninh chứng kiến sự chuyển dịch mạnh từ ngành nông nghiệp là chủ đạo sang ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Địa phương này thu hút được nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Canon… Dẫn đến, nhu cầu lao động trong ngành công nghiệp tăng cao và số lượng người nhập cư tại Bắc Ninh ngày càng lớn, trong đó chủ yếu là lao động nữ.

Tỷ suất di cư thuần (là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư trong kỳ nghiên cứu, tính bình quân trên 1.000 dân của đơn vị lãnh thổ) của Bắc Ninh trong giai đoạn 2005 - 2019 phần lớn có giá trị dương, đạt mức trung bình là 0,60%.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lượng lớn lao động di cư đến Bắc Ninh đã dồn áp lực lớn lên hạ tầng xã hội ở địa phương này. Đơn cử, một phường tại Bắc Ninh có 12.000 nhân khẩu, nhưng có đến 23.000 lao động di cư đến sinh sống, khiến hạ tầng nơi đây trở nên quá tải.

Trái lại, Nghệ An lại ghi nhận tình trạng xuất cư mạnh mẽ với số người xuất cư lớn hơn số người nhập cư vào địa phương này. So với Bắc Ninh, Nghệ An cũng ghi nhận xu hướng giảm cơ ngành nông nghiệp, nhưng rất chậm và nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Tỷ suất di cư thuần của Nghệ An trong giai đoạn 2015-2019 chủ yếu mang giá trị âm, với mức trung bình là -0,21%.

Trên bình diện cả nước, xu hướng và phân bổ người di cư ở độ tuổi lao động (trên 15 tuổi) không đồng đều theo vùng miền, giới tính và độ tuổi. Trong giai đoạn 2012-2018 luồng di cư lao động tập trung chủ yếu tới khu vực thành thị và các vùng kinh tế phát triển hơn, trong khi khu vực nông thôn và các vùng kinh tế khó khăn hơn có tỷ trọng người di cư thấp hơn nhiều, trong đó lao động di cư là nữ chiếm tỷ trọng lớn so với nam.

Số người di cư có sự biến động tăng giảm trong giai đoạn 2012-2018. Cụ thể, số người di cư trên 15 tuổi đạt 892.000 vào năm 2012, nhưng giảm xuống 734.000 người vào năm 2014. Con số này đạt đỉnh 1,245 triệu vào năm 2015 nhưng sau đó giảm xuống còn 789.000. Tính chung cả giai đoạn 2012-2018, số lao động di cư trên 15 tuổi vẫn tăng 1,63%/năm.

Lý giải cho sự suy giảm lao động di cư trong vài năm trở lại đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu của CIEM cho rằng một phần nguyên nhân là do nhiều địa phương trước đây là nơi xuất cư, đã đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, đặc biệt ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ như may mặc, điện tử, và chế biến nông sản.

Tin bài liên quan