Các Hợp tác xã mong được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam mong muốn, Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Việt Nam đã khống chế được Covid-19, nhưng hậu quả của dịch bệnh đối với HTX chắc chắn là rất nặng nề, thưa ông?

Nhiều quốc gia đã bào chế được vắc-xin, khả năng khống chế và đẩy lùi Covid-19 ngày một rõ nét hơn. Đây là tin rất vui, vì nhờ đó kinh tế thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó Việt Nam tiếp tục nổi lên trở thành điểm sáng trong việc vừa khống chế dịch bệnh hiệu quả, vừa đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,48% trong quý I, đặc biệt là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản - lĩnh vực có tới 61% trong tổng số hơn 26.000 HTX đang hoạt động đạt tốc độ tăng trưởng 3,16%.

Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, khu vực kinh tế hợp tác nói riêng vẫn rất nặng nề và chưa phục hồi được bằng thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, vì năm 2020 có 100% HTX trong lĩnh vực du lịch; 95,5% trong lĩnh vực vận tải; 77,7% trong lĩnh vực thương mại; 70% trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… bị tác động tiêu cực và tiêu cực nghiêm trọng, khiến trên 82% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó có tới 42,5% bị giảm doanh thu trên một nửa.

Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất là liều thuốc kịp thời, hữu hiệu, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp và kinh tế hợp tác vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Song, hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung chỉ tạm thời đi vào ổn định nên rất cần tiếp tục kéo dài chính sách gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Khu vực kinh tế hợp tác đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để ứng phó với đại dịch Covid-19 thế nào, thưa ông?

Tổng cộng có đến 8 chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, chỉ tiếc là số HTX được thụ hưởng không nhiều. Cụ thể, chỉ có 14% các HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; 10% được miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các chính sách còn lại như miễn giảm lãi suất vay vốn ngân hàng; hỗ trợ người lao động… chỉ có 3-6% số HTX tiếp cận được. Thậm chí, chính sách cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc thì hầu như không HTX nào tiếp cận được.

Theo ông, vì sao tỷ lệ HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ không nhiều?

So với khu vực doanh nghiệp thì kinh tế hợp tác bị tác động tiêu cực ít hơn, thậm chí vẫn có tới gần 18% số HTX (chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp) còn tăng được doanh thu, lợi nhuận, nên không có nhu cầu được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Nhiều HTX cũng bị ảnh hưởng tiêu cực nhưng đủ khả năng chống đỡ nhờ nguồn quỹ dự phòng nên cũng không muốn nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân nữa là so với khu vực doanh nghiệp, tỷ lệ HTX ứng dụng công nghệ thông tin rất thấp, nên có nhiều HTX không biết được các chính sách hỗ trợ hoặc biết được thì thời gian gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất sắp hết nên không đề nghị được gia hạn. Và cuối cùng là rất nhiều HTX có số thuế phải đóng không nhiều nên ngại làm hồ sơ, thay vào đó đóng ngay khi đến thời hạn nộp thuế.

Vậy tại sao ông vẫn muốn kéo dài chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất?

Hiện cả nước có khoảng 26.000 HTX, trong đó 14% được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và 10% được miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là con số không nhỏ, nên cần tiếp tục thực hiện chính sách này ít nhất cũng phải hết năm 2021. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã có liên kết chặt chẽ với nhau, bởi thế, khi được hỗ trợ, hợp tác xã vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sẽ góp phần cùng khu vực doanh nghiệp phát triển.

Tiếp tục gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, tạm thời. Thưa ông, để phát triển khu vực kinh tế hợp tác cần thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ căn cơ khác?

Đúng vậy. Thời gian qua Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế hợp tác khá hiệu quả như chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Trong giai đoạn 2015-2020 có trên 19.000 lượt HTX được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với tổng kinh phí vào khoảng 3.436 tỷ đồng, trung bình mỗi năm có hơn 3.000 HTX được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi với mức hỗ trợ bình quân 180 triệu đồng/HTX. Đáng nói là, số lượng HTX tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ tăng từng năm. Nếu như năm 2015 chỉ có khoảng 1.400 HTX được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí 197 tỷ đồng, thì đến năm 2020 đã có 5.800 HTX được hỗ trợ với tổng kinh phí 1.248 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, các chính sách hỗ trợ tiếp tục được thực hiện với quy mô và kinh phí lớn hơn.

Đặc biệt, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ vốn cho các HTX, liên hiệp HTX có nhu cầu, có dự án vay vốn đầu tư khả thi để đổi mới phát triển sản phẩm, đổi mới phát triển công nghệ kỹ thuật; phát triển thị trường, mở rộng tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình mới, mô hình điển hình tiên tiến.

Tin bài liên quan