Trong khi một số nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đang trở thành những cái tên quen thuộc, chẳng hạn như BYD, thì hàng trăm nhà sản xuất ô tô khác đã phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bùng nổ đầu tư trong thập kỷ qua giờ đây phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.
Theo thông tin do Công ty Nghiên cứu MarkLines tổng hợp, có khoảng 50 thương hiệu xe điện nội địa ở Trung Quốc sản xuất ô tô thuần điện và plug-in hybrid (PHEV).
Nhưng đến năm 2030, “sẽ chỉ có từ 10 đến 12 nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc hoạt động trên quy mô lớn”, nhà phân tích Paul Gong của UBS cho biết.
Kể từ khi Tesla gây ra cuộc chiến về giá ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, tốc độ hợp nhất ngành xe điện đã tăng lên. WM Motor, một công ty khởi nghiệp xe điện khác có trụ sở tại Thượng Hải do cựu Chủ tịch Volvo Trung Quốc thành lập, cho biết đã bắt đầu các thủ tục tái cơ cấu vào đầu tháng 10.
Các công ty khác của Trung Quốc là Singulato Motors và Levdeo đã vướng vào thủ tục phá sản trong những tháng gần đây, trong khi công ty khởi nghiệp xe điện Enovate có trụ sở tại Thượng Hải đã đình chỉ sản xuất vào tháng 4/2023.
Zhang Xiang, giáo sư thỉnh giảng tại khoa kỹ thuật của Đại học Khoa học và Công nghệ Huanghe cho biết: “Giảm giá là điều bình thường mới trên thị trường ô tô Trung Quốc, điều này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn bị loại bỏ”.
Trong khi đó, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu được nhiều người xem là một trong những giải pháp cho tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực xe điện của Trung Quốc. Nhưng Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm mục đích làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng và cuộc điều tra chống trợ cấp mới mà EU triển khai đối với xe điện của Trung Quốc đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về khả năng tồn tại của chiến lược này.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện hàng tháng của Trung Quốc |
Trung Quốc cũng đã thắt chặt việc cấp giấy phép sản xuất xe điện trong nỗ lực giải quyết tình trạng dư thừa ngày càng tăng. Các nhà phân tích của Citigroup dự đoán trong một báo cáo tháng 5 rằng tỷ lệ năng suất tổng thể hàng năm tại các nhà máy xe điện trên cả nước sẽ chỉ là 33% vào năm 2023.
“Sau khi những nhà sản xuất ô tô nhỏ hơn bị loại bỏ, chỉ một phần nhỏ năng lực sản xuất của những công ty này sẽ được các công ty ô tô khác mua lại và tái sử dụng trong khi hầu hết sẽ trở thành rác thải hoàn toàn”, giáo sư Zhang Xiang cho biết.
Trong khi đó, hãng xe điện Aiways (thành lập năm 2017) đã nổi bật hơn so với các đối thủ địa phương khác khi được sinh ra từ sự bùng nổ xe điện do trợ cấp của Trung Quốc với sự tập trung sớm và thành công vào thị trường nước ngoài. Nhưng khó khăn gần đây của công ty đã làm nổi bật những thách thức về doanh thu và tài trợ yếu kém trong toàn ngành.
Dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin doanh nghiệp Trung Quốc Aiqicha cho thấy, Aiways đã huy động được hơn 33 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỷ USD) kể từ khi thành lập. Tính đến cuối năm 2022, Aiways đã xuất khẩu tổng cộng 6.259 ô tô tới hơn 15 quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Costa Rica và UAE.
Nhưng Aiways đã phải vật lộn để giành được sự chú ý ở Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Wind, doanh số bán hàng của tập đoàn đã tăng từ 2.698 chiếc vào năm 2021, một năm sau khi ra mắt chiếc xe điện đầu tiên, lên 4.626 chiếc vào năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với hơn 151.000 ô tô chạy bằng pin được bán ra trong tháng 9/2023 của BYD, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc.
“Aiways đã tạm dừng sản xuất và đang trong quá trình nhận được nguồn tài trợ và hướng đi mới cho một công ty đang được tái cơ cấu…”, công ty cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng, đội ngũ Trung Quốc và châu Âu của Aiways đang thực hiện kế hoạch này.
Trong khi đó, vấn đề đang được đặt câu hỏi vẫn là tình trạng của các nhà sản xuất ô tô khác sẽ ra sao khi cuộc chiến về giá vẫn tiếp tục - và số tiền sẽ được chi ra trước khi có sự thay đổi. “Công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Dây chuyền sản xuất ô tô được xây dựng cách đây 4 hoặc 5 năm không mang lại nhiều giá trị tiện ích”, giáo sư Zhang Xiang cho biết.