Ford, Honda và BMW đều đang quay cuồng trong vòng xoáy áp thuế - hệ quả của chính sách thuế “ăn miếng trả miếng” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như chính sách thuế mà Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với nhôm và thép được đưa vào Mỹ, theo Business Insider.
Tuần qua, Ford thông báo buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Quyết định sa thải một phần do kế hoạch tái cơ cấu công ty mà hãng xe này đang thực hiện, tuy nhiên những rắc rối tại thị trường Trung Quốc thời gian qua cũng như giá vật liệu tăng càng khiến “nỗi đau thêm dài”.
Tại một cuộc họp báo do Bloomberg tổ chức, Jim Hackett, CEO của Ford, cho biết mức thuế sắt và thép khiến hãng này mất khoảng 1 tỷ USD trong năm 2018 và 2019.
“Đối với Ford, mức thuế kim loại tăng khiến chúng tôi mất khoảng 1 tỷ USD lợi nhuận. Điều trớ trêu là chúng tôi đã mua từ trong nước phần lớn lượng thép dùng để sản xuất xe. Nếu mức thuế cao được áp đặt càng lâu, thiệt hại với chúng tôi càng lớn”, ông nói.
Doanh số bán hàng ôtô của Ford ở Trung Quốc trong năm 2018 cũng sụt giảm đáng kể. Theo thống kê, doanh số tháng 9/2018 giảm 43% so với tháng 9/2017, giảm 30% trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2017.
BMW cũng đang đối mặt với vấn đề kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Các mẫu BMW X3, X5 được sản xuất tại South Carolina (Mỹ) vốn rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, nhưng giờ đây cũng nằm trong danh sách đánh thuế cao của chính phủ nước này.
Đây được cho là động thái đáp trả việc Mỹ áp thuế nhập khẩu tổng cộng 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.
Gần đây nhất, Mỹ áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa và sang năm, mức thuế này có thể nâng lên 25%.
Theo Charleston Post and Courier, thuế cao đang cản trở đường xuất khẩu của BMW. Theo đó, xuất khẩu ôtô từ cảng Charleston tháng 8 đã giảm gần 35% so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ trong vòng hai tháng đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thương mại chính thức nổ ra, xuất khẩu ôtô từ cảng này giảm 30%.
Phần lớn mẫu xe xuất khẩu từ bang South Carolina là BMW. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của riêng BMW đã đạt 2,4 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 6,3 tỷ USD từ Charleston đến Trung Quốc.
“Cuộc chiến thương mại quốc tế đang khiến thị trường chao đảo và kéo theo nhiều rủi ro”, BMW nhận định.
Bên trong nhà máy BMW ở South Carolina, Mỹ. Ảnh: Autonews.
Có nhiều yếu tố khác gây ra sự sụt giảm này, như việc BMW X5 thế hệ mới ra mắt. Song hãng xe Đức cho rằng thuế cao mới là nguyên nhân chủ yếu.
Tại phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ hồi cuối tháng 9, Rick Schostek, phó Chủ tịch Honda tại Bắc Mỹ, bày tỏ mối lo ngại tương tự về chính sách thuế với mặt hàng thép.
Theo Rick, trong khi Honda đang trả thuế tương đối thấp, thì giá thép tại Mỹ lại tăng khiến họ phải gánh thêm hàng trăm triệu USD chí phí mới và ngoài ý muốn. 90% lượng thép Honda sử dụng để sản xuất xe tại Mỹ đều mua trong nước. Tuy nhiên, chính sách thuế mới đã đẩy giá thép nhập khẩu, buộc các nhà sản xuất thép trong nước hét giá cao.
Trong bối cảnh nhiều hãng xe lớn bắt đầu “ngấm đòn” từ chiến tranh thương mại, chính quyền Trump tuyên bố có thể áp thuế với ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu do quan ngại về an ninh quốc gia. Đây là động thái gây lo ngại có thể “nhấn chìm” cả ngành công nghiệp ôtô.