Các hãng hàng không tư nhân cũng muốn được hưởng lãi suất hỗ trợ như Vietnam Airlines

Các hãng hàng không tư nhân cũng muốn được hưởng lãi suất hỗ trợ như Vietnam Airlines

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các hãng hàng không tư nhân kiến nghị được hỗ trợ bằng cơ chế nhằm tạo nên sự cạnh tranh công bằng trên thị trường

Chiều ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ trong lĩnh vực này, bàn về việc mở “Gói tín dụng cho hàng không”.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp hàng không, thay mặt cho các hãng hàng không kiến nghị tại cuộc họp: “Mặc dù thông tin tổng hợp chưa đầy đủ nhưng cơ bản đề nghị hai gói hỗ trợ: Thứ nhất, đề nghị áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm. Thứ hai, cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất 4%), thời hạn: 3 - 4 năm”.

Chia sẻ cụ thể hơn, Đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp hàng không cho biết, hiện nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất cả nước đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ phải trả của Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000 - 12.000 tỷ đồng để cân đối dòng tiền.

Hãng hàng không VietJet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 8.000 - 10.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3 - 4 năm. Còn hãng hàng không Bamboo Airways đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi. Hãng hàng không Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn…

Phát biểu thêm tại cuộc họp, đại diện VietJet Air cho biết, doanh nghiệp hàng không tư nhân này đã phải nỗ lực rất nhiều trong 18 tháng qua nhưng đến hiện tại, mọi việc đã quá sự kiểm soát của doanh nghiệp. VietJet Air hiện đang nợ 5.400 tỷ đồng vay ngắn hạn của các ngân hàng trong nước và 3.900 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất huy động rất cao.

Nhấn mạnh về các chính sách của Ngân hàng Nhà nước được ban hành rất đúng lúc, nhưng đại diện VietJet Air cho biết, quá trình thực hiện còn những quy định khiến ngân hàng không vượt qua được. Do đó, điều các ngân hàng mong mỏi lớn nhất là có các cơ chế chính sách hỗ trợ.

“Xin Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân bằng cơ chế chứ không xin góp vốn hay một số vấn đề giống như Vietnam Airlines. Mong Chính phủ có cơ chế hỗ trợ thanh khoản vốn lưu động trong 12 tháng với lãi suất tái cấp vốn 0% và lãi suất này được gia hạn trong 2 năm hoặc chấm dứt tại một thời điểm phù hợp nào đó nhằm tạo nên sự cạnh tranh công bằng trên thị trường”, đại diện VietJet Air nói.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, khi kiểm soát dịch thành công, hoạt động hàng không nới lỏng hơn thì dòng tiền của các hãng hàng không sẽ quay về và bù đắp lại rất nhanh. Điều này khác hẳn một số lĩnh vực kinh tế khác, có khi phải tốn thời gian 5-7 năm thì mới có dòng tiền về.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại cuộc họp

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại cuộc họp

“Do vậy, ngành ngân hàng sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng hàng không vay vốn”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, ông Tú cũng chia sẻ những trăn trở khi các ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đồng thời chịu rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính trị lớn nhất của ngành ngân hàng là kiểm soát lạm phát. Hay hiểu đơn giản là đưa lượng tiền ra và hút lượng tiền về, cũng như cân đối ngoại tệ, tỷ giá, làm sao cho không bị tác động nhiều vào giá cả.

“Một định chế tài chính nước ngoài đã khuyến cáo, trong trường hợp lạm dụng quá chính sách tiền tệ, quốc gia sẽ phải trả giá đắt khi lạm phát không kiểm soát được. Hệ luỵ của việc bơm tiền quá mức sẽ là lạm phát trong vài năm tới, bởi chính sách tiền tệ có độ trễ nhất định”, ông Tú nói.

Ông Tú cũng viện dẫn lại giai đoạn năm 2009-2010, nền kinh tế bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, rồi bong bóng bất động sản và chứng khoán đã để lại 11% nợ xấu cho nền kinh tế. “Đến tận bây giờ, ngành ngân hàng vẫn chưa thể giải quyết hết hậu quả này”, ông Tú nói.

Đáng chú ý, thời điểm đó, quy mô nền kinh tế có 2,4-2,7 triệu tỷ đồng. Giờ đây lên tới gần 10 triệu tỷ đồng, tức tăng gấp 4 lần. Điều này càng khiến việc điều hành trở nên vô cùng khó khăn nếu không muốn gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Nếu như không đảm bảo được ổn định vĩ mô, giữ được giá trị đồng tiền, để lạm phát vượt 4% lên mức 7-8% thì bao nhiêu nỗ lực thời gian qua đều đổ sông đổ biển”, ông Tú nói.

Mặc dù vậy, Phó Thống đốc vẫn đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên doanh nghiệp hàng không vì đây là lĩnh vực quan trọng. Nếu việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 mà tình hình diễn biến còn khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp điều chỉnh Thông tư 14 để hỗ trợ.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại được đề nghị giảm lãi suất và mạnh dạn cho các hãng hàng không vay tín chấp. Do nhu cầu vốn lớn nên nếu cần tăng hạn mức tín dụng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới bổ sung.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ", ông Tú nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay, dư nợ tín dụng của các hãng hàng không tại các tổ chức tín dụng là 24.500 tỷ đồng. Cụ thể, Vietnam Airlines là 15.200 tỷ đồng, VietJet là 5.900 tỷ đồng, Bamboo là 3.200 tỷ đồng và 4 hãng còn lại chỉ chiếm 0,5% dư nợ. Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 2.500 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1%/năm, số tiền lãi được giảm khoảng 130 tỷ đồng, doanh số cho vay mới từ khi xảy ra dịch COVID-19 tới nay là 41.648 tỷ đồng.

Chung cảnh ngộ khó khăn như VietJet Air, Bamboo Airways nhưng trước đó, Vietnam Airlines đã được Quốc hội ban hành nghị quyết giải cứu trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại (SeABank, MSB, SHB) lãi suất thấp và 12.000 tỷ đồng do SCIC phát hành công cụ nợ.

Tin bài liên quan