Thông tin trên vừa được Ban chỉ đạo Tây Nguyên chính thức công bố tại buổi họp báo sáng 6/2 tại Hà Nội.
Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vùng Tây Nguyên có quy mô khoảng 500 đại biểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng, phát triển năng lượng sạch; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên.
Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên (đứng giữa)
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Tây Nguyên có rất nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng trong top đầu thế giới như cà phê, hoa quả, các sản phẩm nông sản Đà Lạt.
Tây Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, có nhiều ưu đãi từ chính sách để phát triển kinh tế - xã hội như phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và nhiều lĩnh vực khác…
"Với những lợi thế này, Tây Nguyên mong muốn giới thiệu những tiềm năng, triển vọng, định hướng và cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020.
Qua sự kiện xúc tiến đầu tư lần thứ 4 vào Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo mong nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, nhà văn hoá, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đóng góp ý kiến để Tây Nguyên ngày một phát triển bền vững", Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế vừa qua, ông Điểu Kré, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế khu vực Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, năm 2016 vừa qua, kinh tế Tây Nguyên đối diện với nhiều khó khăn thách thức như nguồn lực đầu tư hạn chế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; giá cả một số mặt hàng nông sản giảm. Đặc biệt, diễn biến thời tiết phức tạp, hạn hán gây bất lợi, đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân Tây Nguyên.
Liên quan hoạt động thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắc Lắc cho biết, đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển tại tỉnh Đắc Lắc và cả khu vực Tây Nguyên nói chung trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo những dự án nào thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ được quan tâm đặc biệt để hỗ trợ ưu tiên về mặt lãi suất lâu dài.
- Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách tạo thuận lợi cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn trong lĩnh vực này. Cụ thể, tỉnh đã chuẩn bị sẵn một số quỹ đất khá lớn để thu hút đầu tư phát triển vùng chuyên canh và nông nghiệp công nghệ cao, đã có bước thử nghiệm cho các loại cây giống hoa trái phù hợp có giá trị xuất khẩu cao.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ tín dụng, chính sách tích tụ đất đai theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ vào lĩnh vực này.
Được biết là địa phương có nhiều địa bàn huyện xã thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên Đắc Lắc cũng đã và đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư theo quy định chung của nhà nước như miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắc Lắc sẽ tiếp tục khẩn trương hoàn thiện và đưa vào thực thi nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp cao trên địa bàn.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng sẽ được truyền tải tới tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên.
Ông Tú cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện gói tín dụng 60 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này và các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn đặc biệt khó khăn như Tây Nguyên sẽ được đặc biệt ưu tiên xem xét hỗ trợ.
“Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo những dự án nào thuộc đối tượng này sẽ được quan tâm đặc biệt để hỗ trợ ưu tiên về mặt lãi suất lâu dài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Tây Nguyên”, ông Tú nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, các dự án hỗ trợ tín dụng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ được xem xét hỗ trợ từ gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho vay dự án ứng dụng nông nghiêp sạch, sản xuất thực phẩm sạch của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gói hỗ trợ 10 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Liên việt với chính sách ưu đãi giảm 0,5-1% lãi suất cho vay và với điều kiện cũng như thời hạn tín dụng rất cởi mở.
Ngoài ra, ông Tú cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉnh sửa cơ chế chính sách cả về hỗ trợ vốn cũng như cơ chế chính sách phê duyệt dự án theo loại hình này nhanh và gọn hơn, cùng chính sách tích tụ ruộng đất theo chủ trương của Chính phủ để tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Năm 2016, tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên vẫn đạt mức tăng khá và tăng cao hơn so với mức tăng năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được đông đảo người dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng và có nhiều sản phẩm mới. Các ngành dịch vụ phát triển ổn định. Thu hút đầu tư khởi sắc, các dự án được đẩy nhanh tiến độ. Số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký tăng cao 14,22% so với năm trước, đạt 2.686 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt 10,15 ngàn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã chủ động phát huy những lợi thế, tìm kiếm, và mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và từng bước thích ứng với nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập kinh tế, quốc tế. |