Chủ đầu tư thường rất ngại xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội cùng một khu.
Trong Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BXD ngày 24/6/2021 của Bộ Xây dựng về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nêu rõ, đối với quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt và loại I, hoặc từ 5 ha trở lên tại đô thị loại II và III, phải dành 20% diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Còn khi phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở xã hội,hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó...
Song, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, tại TP.HCM chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại của Công ty Nam Long có làm nhà ở xã hội trong dự án nhà thương mại, các dự án còn lại đều thực hiện việc hoán đổi bằng cách nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án. Trong khi đó, nguồn tiền quy đổi tương đương doanh nghiệp đóng cho Nhà nước không biết đi đâu, bởi chưa có dự án nhà ở xã hội nào đến nay được xây dựng bằng nguồn tiền này.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, hiện nay đa số các dự án nhà ở, khu đô thị đều chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Khoản tiền này nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó có được dùng vào việc xây nhà ở xã hội hay không, doanh nghiệp cũng không biết.
“Có một thực tế là chủ đầu tư thường rất ngại xây dựng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội cùng một khu. Về mặt hiệu quả đầu tư, khi làm nhà ở xã hội chung với nhà thương mại sẽ khiến nhà ở thương mại giảm giá trị. Không những vậy, do khoảng cách về thu nhập khác nhau, nên những người mua nhà ở xã hội thường không đủ sức đóng phí để sử dụng các dịch vụ, tiện ích”, vị này nói.
Covid-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Tại TP.HCM, việc cải thiện chỗ ở cho người lao động được chính quyền Thành phố xem là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết sau làn sóng Covid-19 thứ tư.
Tuy nhiên, để phát triển nhà ở xã hội, vấn đề quan trọng nhất là phải có đất, thủ tục hành chính phải thuận tiện. “Rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia cùng Thành phố để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng vấn đề quan trọng là phải có quỹ đất, đồng thời có bước đột phá về thủ tục hành chính”, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, để có quỹ đất làm nhà ở xã hội, cần rà soát và thu hồi quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội từ các dự án thương mại, các quỹ đất công từ nhà, xưởng của những đơn vị phải di chuyển ra khỏi nội thành. Đặc biệt, cần quy hoạch quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực gần các khu công nghiệp, khu chế xuất và những quận đang phát triển có nhiều công nhân và lao động nhập cư. Như vậy, các doanh nghiệp muốn xây nhà ở xã hội sẽ biết ở khu nào có đất, chỗ nào được xây, tìm đất ở đâu để xây.