Các đơn đặt hàng quốc phòng toàn cầu tăng vọt khi căng thẳng địa chính trị gia tăng

Các đơn đặt hàng quốc phòng toàn cầu tăng vọt khi căng thẳng địa chính trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số lượng đơn đặt hàng của các công ty quốc phòng lớn nhất thế giới đang đạt mức cao kỷ lục do căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Một phân tích của Financial Times về 15 tập đoàn quốc phòng, bao gồm các các tập đoàn lớn nhất của Mỹ, BAE Systems của Anh và Hanwha Aerospace của Hàn Quốc cho thấy, vào cuối năm 2022 (thời điểm mới nhất có dữ liệu cả năm), tổng số đơn hàng tồn đọng đã tăng lên 777,6 tỷ USD, tăng 10% so với mức 701,2 tỷ USD vào hai năm trước đó.

Động lực của xu hướng này tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm nay (dữ liệu hàng quý toàn diện mới nhất hiện có), tổng số đơn hàng tồn đọng tại các công ty này ở mức 764 tỷ USD, làm tăng thêm lượng công việc trong tương lai khi các chính phủ tiếp tục đặt hàng.

Chi tiêu bền vững cho quốc phòng đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này. Chỉ số MSCI đối với các cổ phiếu trong ngành đã tăng 25% trong 12 tháng qua. Chỉ số cổ phiếu hàng không vũ trụ và quốc phòng Stoxx của châu Âu đã tăng hơn 50% trong cùng kỳ. Mức tăng này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư rằng chi tiêu quốc phòng cao hơn của các chính phủ sẽ tiếp tục duy trì.

Số lượng đơn đặt hàng ở 15 công ty quốc phòng lớn nhất tăng mạnh

Số lượng đơn đặt hàng ở 15 công ty quốc phòng lớn nhất tăng mạnh

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng 3,7% theo giá trị thực vào năm 2022 lên mức cao mới là 2.240 tỷ USD.

Chi tiêu quân sự ở châu Âu có mức tăng trong năm mạnh nhất trong ít nhất 30 năm khi các chính phủ trong khu vực công bố các đơn đặt hàng mới về đạn dược và xe tăng để bổ sung cho kho dự trữ quốc gia đã cạn kiệt do viện trợ gửi đến Ukraine.

Theo phân tích của Financial Times, Hanwha Aerospace của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng đơn đặt hàng mới lớn nhất, với lượng tồn đọng tăng vọt từ 2,4 tỷ USD vào năm 2020 lên 15,2 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Hàn Quốc đã tăng hạng trong danh sách các nhà bán vũ khí trong hai năm qua nhờ các đơn đặt hàng xuất khẩu đáng kể, đặc biệt là từ các nước Đông Âu. Theo Sipri, đây là nước bán vũ khí lớn thứ 9 thế giới vào năm 2022, tăng từ vị trí thứ 31 vào năm 2000.

Nhà sản xuất xe tăng Rheinmetall của Đức cũng được hưởng lợi từ việc chi tiêu cao hơn sau xung đột Nga-Ukraine, với lượng đơn đặt hàng tồn đọng tăng từ 14,8 tỷ USD vào năm 2020 lên 27,9 tỷ USD vào năm 2022. Lượng đơn hàng tồn đọng của hãng này ở mức 32,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản chi tiêu cao hơn đều liên quan đến Ukraine. Lượng đơn đặt hàng tồn đọng của BAE Systems đã tăng từ 61,8 tỷ USD lên 70,8 tỷ USD vào năm 2022 nhờ các đơn đặt hàng mới cho các chương trình hiện có, bao gồm tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu. Đơn đặt hàng tồn đọng của công ty đạt kỷ lục 84,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo Nick Cunningham, nhà phân tích tại Agency Partners, có một số nguyên nhân khiến lượng tồn đọng cao hơn xảy ra trước xung đột Nga-Ukraine.

“Thực tế là thời gian hoạch định chính sách, ngân sách và đặt hàng quá dài nên cuộc xung đột diễn ra gần hai năm trước chỉ xuất hiện về số lượng đơn đặt hàng và hầu như không mang lại doanh thu, ngoại trừ một số đơn hàng có chu kỳ ngắn hơn như hãng Rheinmetall”, ông cho biết.

Mặc dù nhận được đơn đặt hàng mới, nhiều công ty quốc phòng châu Âu và Mỹ vẫn đang gặp khó khăn trong việc tăng đáng kể năng lực sản xuất trong bối cảnh chuỗi cung ứng liên tục bị gián đoạn và thiếu hụt lao động.

Phân tích của Sipri về 100 công ty lớn nhất cho thấy, doanh thu từ bán vũ khí và dịch vụ quân sự đạt tổng cộng 597 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn 3,5% so với năm 2021 theo giá trị thực, ngay cả khi nhu cầu tăng mạnh.

“Quy trình đặt hàng trông thực sự mạnh mẽ, vì vậy chúng tôi mong đợi sẽ có nhiều đơn hàng hơn… Tỷ lệ đặt hàng trên giao hàng sẽ ở trên 1, có nghĩa là lượng tồn đọng sẽ tăng trong thời gian tới”, ông cho biết.

Tin bài liên quan