Là một trong những hiệp hội ngành nghề ra đời sớm và hoạt động có hiệu quả trong ngành Công thương, đến nay Hiệp hội có 64 hội viên, tập hợp được hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thuốc lá trên toàn quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành thuốc lá đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước. Trong 25 năm qua, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nộp ngân sách tăng trung bình hàng năm là 20%/năm, gấp 191,6 lần sau 25 năm. Nếu như năm 1989 toàn ngành nộp NSNN 100,5 tỷ đồng thì đến năm 2013 con số này đã tăng lên 19.562/3 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD.
Xuất khẩu thuốc lá ngày càng được mở rộng về quy mô và kim ngạch. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng lên 185,6 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 19,4%/năm và thị phần thuốc lá xuất khẩu đã có mặt tại nhiều quốc gia châu Á và châu Phi. Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã đầu tư đổi mới máy móc thiết bị theo hướng tự động hóa, góp phần tăng sản lượng, năng suất và chất lượng, nâng hiệu quả SXKD và Xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nhiều sản phẩm thuốc lá nội địa đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu trên thị trường, như: Vinataba, Thăng Long, Cotab, Sài Gòn, Du Lịch, Bastion của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; War Horse, Sea Bird, Prince Khatoco của Tổng công ty Khánh Việt; Khánh Hội, Chợ Lớn của Tổng công ty CN Sài Gòn; Trị An, Dona, Cokes của Tổng công ty CNTP Đồng Nai…
Bên cạnh đó là những sản phẩm sản xuất dưới nhượng quyền và hợp tác liên doanh có thương hiệu uy tín trong xuất khẩu như nhãn thuốc Marlboro, 555, Dunhill, Mild Seven (liên doanh với Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam); Craven “A”, Fine (Tổng công ty CN Sài Gòn); White Horse, Everest (Tổng công ty Khánh Việt); Bastos (Tổng công ty CNTP Đồng Nai); Virginia Gold, Seven Diamonds (Công ty Thuốc lá Hải Phòng)…
Trong lĩnh vực chống buôn lậu, Hiệp hội đã hỗ trợ tích cực các cơ quan quản lý nhà nước chống thuốc lá lậu bằng chính các sản phẩm của mình thông qua nỗ lực củng cố thị trường, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm thay thế hàng nhập lậu, từng bước cạnh tranh mạnh mẽ để đẩy lùi thuốc lá lậu. Đồng thời, Hiệp hội đã tích cực đóng góp kinh phí hỗ trợ cho công tác bắt giữ, tiêu hủy; trong giai đoạn 2007 – 2013, Hiệp hội đã đóng góp tổng số tiền 43,6 tỷ đồng cho các chương trình, hoạt động phòng chống thuốc lá lậu.
Cho ý kiến chỉ đạo về định hướng phát triển kinh doanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị Hiệp hội cần nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các loại nguyên phụ liệu có chất lượng, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang trung và cao cấp; Tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, là tiếng nói đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành thuốc lá, đoàn kết giữa các hội viên, có chiến lược phát triển phù hợp cho ngành để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cạnh tranh với sản phẩm nhập lậu, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu;
Tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá; tham gia xây dựng chính sách vĩ mô, để ngành thuốc lá phát triển đúng chủ trương, định hướng của Nhà nước.