Mục tiêu lớn
Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016, ngành du lịch nội địa đạt tốc độ tăng trưởng 11,8%, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1%.
Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch xác định mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Nghị quyết cũng xác định rõ mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các doanh nghiệp du lịch hiến kế
“Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải có chính sách thúc đẩy ngành phát triển đúng với vai trò, vị thế của ngành. Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh du lịch được thuận lợi nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân sự phục vụ du lịch, đồng thời có ngân sách xúc tiến cụ thể”, ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty Du lịch APT Travel nói.
Chung quan điểm về xúc tiến du lịch, bà Phạm Bích Ngọc - Phó giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour cho rằng, để du lịch Việt “cất cánh”, cần tận dung thời cơ, đồng thời có chiến lược phát triển rõ ràng, trong đó tăng ngân sách quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài. Năm 2015, Việt Nam chi 2 triệu USD cho hoạt động này, chỉ bằng 1,9% của Malaysia, 2,5% của Singapore, 2,9% của Thái Lan.
5 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón nhận 5,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách Trung Quốc đạt 1,57 triệu lượt người, tăng 55,5%; khách Hàn Quốc đạt 889 nghìn lượt người, tăng 40,9%; khách Nhật Bản đạt 323 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài thúc đẩy quảng bá, không để du lịch phát triển theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, theo bà Ngọc, nên áp dụng công nghệ vào ngành du lịch, nhưng dự thảo Luật Du lịch 2017 chưa đề cập đến nội dung này. Để phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, cần đơn giản hóa thủ tục visa, hoàn thiện việc tổ chức cấp thị thực điện tử, đầu tư có trọng điểm những vùng có tiềm năng du lịch, sản phẩm đặc thù và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách…
Vừa qua, một trong những chính sách của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp du lịch và du khách hưởng ứng đó là visa điện tử, được đánh giá là bước khởi đầu cho những giải pháp đột phá để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Tổng cục Du lịch, để tạo điều kiện cho du khách du lịch đường bộ thuận lợi hơn trong xuất nhập cảnh, nên có chính sách cho phép du khách được nhập cảnh ở một cửa khẩu nhưng có thể xuất cảnh ở cửa khẩu khác.
Lợi ích của chính sách đơn giản hóa thủ tục visa đã được chứng minh. Năm 2015, Chính phủ ra quyết định miễn thị thực cho 5 nước châu Âu đến Việt Nam, thì năm 2016, số lượng du khách Ý đến Việt Nam tăng 25%, du khách Anh tăng 16%.
Cùng với các bài toán phát triển thương hiệu du lịch Việt là câu chuyện giữ chân du khách được các nhà quản lý và doanh nghiệp đều quan tâm.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp không nên chú trọng vào con số lãi thu được mà quên đi tính bền vững. Ngành này cần nhất sự phát triển bền vững để giữ chân du khách, các doanh nghiệp phải cam kết cạnh tranh lành mạnh, không phá giá thị trường và nên có ngân quỹ dành cho xúc tiến mở rộng thị trường đưa khách vào Việt Nam.
Trong 5,2 triệu lượt khách đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, có 4,35 triệu lượt khách đi bằng đường hàng không, 0,7 triệu lượt đi bằng đường bộ, còn lại là đường biển.
Về vấn đề này, Tổng giám đốc APT Travel nhìn nhận, Việt Nam là điểm đến an toàn thu hút du khách quốc tế nên đẩy mạnh xúc tiến quảng bá là việc cần thiết. Để khách quay trở lại với Việt Nam, chúng ta cần chú ý đến thương hiệu du lịch Việt thông qua sự cảm nhận từng dịch vụ, từng điểm đến của du khách. Chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định và phải khắc phục các tệ nạn “chặt chém”, chèo kéo du khách mua sản phẩm, làm xấu hình ảnh du lịch Việt.
“Tôi nghĩ, để giải quyết vấn đề này, cần phải phân rõ vai trò, chức năng của các đơn vị liên quan đến chuỗi dịch vụ và điểm đến của du khách, Tổng cục Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch, còn thực hiện nhiệm vụ về quản lý du lịch tại địa phương nên để các địa phương chịu trách nhiệm và giải quyết”, Tổng giám đốc APT Travel nêu quan điểm.