Các doanh nghiệp cam kết  tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cam kết tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cam kết đảm bảo nhu cầu hàng hoá tiêu dùng sau dịch

Chuẩn bị kịch bản cho thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp tăng sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo nhu cầu hàng hoá sau dịch.

Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 12/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, một nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đó là sau dịch bệnh, thị trường thường bùng nổ về nhu cầu hàng hóa.

Ngành cũng phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi dịch bệnh kết thúc nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tạo đà thúc đẩy xuất khẩu.

Đối với thực phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay ngành nông nghiệp cần đảm bảo sản xuất đủ 5,6 - 5,8 triệu tấn thịt. Hiện 99% số xã đã không còn dịch tả lợn châu Phi, các địa phương hết dịch phải đẩy mạnh tái đàn lợn, bên cạnh đàn gà, bò, thủy sản… đang phát triển tốt.

Về thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách.

Các đoàn công tác của Bộ thời gian tới sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp và phối hợp cùng các Bộ, ngành khôi phục thị trường Trung Quốc; đồng thời mở cửa thêm các sản phẩm với thị trường này.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao.

Năm nay, sản lượng gạo sẽ đạt khoảng 28 triệu tấn, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5 – 7 triệu tấn. Rau các loại có gần 1 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 18,2 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2019; quả với 1,1 triệu ha cho sản lượng khoảng 13,3 triệu tấn, tăng trên 6%.

Chăn nuôi dự kiến sẽ khống chế được dịch bệnh nên tái đàn lợn cũng tăng nhanh. Tổng sản lượng thịt trong chăn nuôi sẽ đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16%.

Với sản lượng này, trong nước sẽ không thiếu thịt. Sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019.

Về nguồn cung thịt lợn của doanh nghiệp, ông Kiều Đình Thép, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, hiện nay sản lượng của Công ty đã tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư thêm các nhà máy chế biến sâu hoặc liên kết với các cơ sở giết mổ để sản phẩm hạn chế thấp nhất các khâu trung gian, giá thịt lợn hợp lý hơn.

Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu thực phẩm trong nước có thể tăng, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Masan cho biết, Tập đoàn tiếp tục duy trì đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá đến người tiêu dùng.

Cụ thể, Tập đoàn tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của người dân như: mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt.

Tập đoàn Masan cũng kết hợp với Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo cho nhu cầu thiết yếu của người dân trong cả nước thông qua hệ thống hơn 3.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+. Tập đoàn làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp uy tín của Việt Nam, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân, đồng thời cải thiện phương thức bán hàng, mở rộng diện phục vụ bán hàng và giao hàng tại nhà.

Tin bài liên quan