Tổn thất tài sản tại bảo tàng Quảng Ninh

Tổn thất tài sản tại bảo tàng Quảng Ninh

Các doanh nghiệp bảo hiểm “tung” toàn bộ đội giám định viên vào vùng rốn bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau cơn bão số 3 các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã phải huy động toàn bộ đội giám định đi vào vùng bão lũ để kịp thời giám định tổn thất để nhanh chóng thực hiện công tác chi trả tạm ứng bồi thường cho các khách hàng.

Cơn bão Yagi đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với sức gió giật mạnh và thời gian lưu bão kéo dài gây hư hại lớn về tài sản và cơ sở hạ tầng, làm nhiều cây xanh bật gốc, cột điện và biển quảng cáo đổ sập. Các tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng bị gió đánh gãy, xe ô tô và hàng hóa bị chìm và ngập nước, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và doanh nghiệp về tài sản, phương tiện, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như nhà cửa.

Cần cẩu tại cảng Mipec, Hải Phòng đổ sụp do chịu tác động của bão Yagi - Công trình bảo hiểm thuộc Bảo Hiểm Bảo Việt (Ảnh: THP)

Cần cẩu tại cảng Mipec, Hải Phòng đổ sụp do chịu tác động của bão Yagi - Công trình bảo hiểm thuộc Bảo Hiểm Bảo Việt (Ảnh: THP)

Sau trận bão, các công ty bảo hiểm đã khẩn trương triển khai ngay các hoạt động nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, bao gồm cả hoạt động tạm ứng bồi thường. Với cam kết đảm bảo quyền lợi bảo hiểm và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, Bảo Hiểm Bảo Việt đã huy động đội ngũ chuyên viên giám định hiện trường, giám định tổn thất đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ bồi thường trên địa bàn các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng. Đồng thời, Bảo Hiểm Bảo Việt cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương và làm việc trực tiếp với khách hàng để ghi nhận, xác định mức độ thiệt hại.

Ngay sau khi nhận tin báo bão Tổng Công ty Bảo hiểm BSH đã khẩn trương triển khai các hoạt động truyền thông cảnh báo giúp khách hàng phòng tránh và giảm thiểu tổn thất. Ngay sau khi cơn bão qua đi BSH đã huy động tối đa nguồn lực chuyên môn để hỗ trợ và giám định tổn thất cho khách hàng tại các tỉnh có bão quét qua. Đội ngũ giám định viên của BSH đã trực tiếp đến tận hiện trường bất chấp điều kiện vô cùng khó khăn và nguy hiểm, để đảm bảo các thiệt hại được ghi nhận chính xác và kịp thời, giúp khách hàng nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Giám định viên BSH anh Trịnh Thiết Hậu trên đường đi giám định bảo hiểm xe cơ giới không quên mang theo thùng mỳ tôm cứu trợ khách hàng

Giám định viên BSH anh Trịnh Thiết Hậu trên đường đi giám định bảo hiểm xe cơ giới không quên mang theo thùng mỳ tôm cứu trợ khách hàng

Những hình ảnh từ thực địa cho thấy các giám định viên của BSH phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi thực hiện nhiệm vụ. Các con đường ngập sâu trong nước khiến việc di chuyển trở nên hết sức khó khăn. Một số khu vực bị ngập lụt nặng nề, giám định viên phải sử dụng các phương tiện tạm thời, tự chế như bè hoặc các tấm ván để có thể tiếp cận những địa điểm bị ảnh hưởng. Nhiều nơi nước ngập đến đầu gối, thậm chí sâu hơn, nhưng đội ngũ BSH vẫn không quản ngại nguy hiểm, lội nước và di chuyển qua những con đường lầy lội để đến với khách hàng.

Một giám định viên chia sẻ: “Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác giám định lần này. Không chỉ là vấn đề di chuyển khó khăn trong khu vực bị ngập lụt mà còn là việc xử lý hồ sơ ngay tại hiện trường, trong điều kiện thiếu thốn các trang thiết bị".

Giám định viên BSH - Anh Trần Văn Tỉnh tự chế phương tiện để đi hỗ trợ khách hàng tại khu vực phường Túc Duyên TP Thái Nguyên

Giám định viên BSH - Anh Trần Văn Tỉnh tự chế phương tiện để đi hỗ trợ khách hàng tại khu vực phường Túc Duyên TP Thái Nguyên

Đại diện hãng bảo hiểm BSH cho biết, giám định viên của văn phòng Tổng công ty đã được cử đi các tỉnh hết để hỗ trợ, bảo hiểm BSH cũng đang lên phương án điều giám định viên từ các tỉnh ít bị ảnh hưởng để đến các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều để hỗ trợ thêm.

Theo ông Đoàn Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm BSH, đợt bão lũ này sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm năm nay gặp nhiều khó khăn. BSH hiện mới có thống kê sơ bộ vài trăm khách hàng bị tổn thất nhưng chắc còn nhiều khách hàng chưa báo thông tin hết. Ngoài ra, tình hình ngập lụt vẫn còn tiếp diễn ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái cũng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm lo lắng không kém cơn bão vừa qua.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm lớn có trụ sở phía Nam cho biết, ngay sau khi các chuyến bay được nối lại, hãng bảo hiểm này đã cử cán bộ Ban nghiệp vụ bảo hiểm tài sản bay ra các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ để tiến hành công tác thống kê và giám định thiệt hại tài sản của các khách hàng. Ngoài bảo hiểm xe cơ giới, hãng bảo hiểm này còn có thế mạnh về bảo hiểm tàu hàng và bảo hiểm tài sản.

Lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho biết, ngay khi có thông tin về cơn bão, Công ty đã gửi thông tin khuyến cáo đến khách hàng bằng nhiều phương tiện khác nhau, hướng dẫn các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong sáng ngày 7/9, khi cơn bão mới bắt đầu tiến vào đất liền, Bảo hiểm PVI đã cử đoàn công tác về Hải Phòng, Quảng Ninh để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả và chủ động rà soát, thống kê các thiệt hại.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, đến chiều ngày 8/9/2024, bão Yagi đã khiến 24 người thiệt mạng và mất tích, gần 7.400 ngôi nhà hư hỏng, nhiều đoạn đường dây điện cao thế gặp sự cố, và hàng loạt cột điện, biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ tại các tỉnh miền Bắc, tiềm tàng nhiều rủi ro đến hoạt động cộng đồng. Đặc biệt, 25 tàu thuyền bị chìm tại Quảng Ninh. Nông nghiệp cũng chịu thiệt hại lớn với gần 98.000ha lúa, 11.700ha hoa màu ngập úng, và 1.100 lồng bè thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.

Tin bài liên quan