Đến nay, đánh giá của các định chế cho thấy, Chính phủ đã có những động thái điều chỉnh chính sách khá quyết liệt, nhưng từ văn bản sang thực thi trên thực tế lại là một câu chuyện khác.
Tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế vùng Đông Á và Thái Bình Dương trong đó có dự báo kinh tế Việt Nam vừa được WB tiến hành đầu tuần này, những động thái tích cực của Chính phủ trong việc cải cách đã được các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng chỉ ra.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Chính phủ đã có những bước đi cụ thể về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như, yêu cầu công bố thông tin, củng cố tình hình tài chính... cùng chương trình tham vọng cổ phần hóa hơn 432 DNNN giai đoạn 2014 - 2015. Đồng thời, Chính phủ cũng đang xem xét kỹ lưỡng hơn ngành nào Nhà nước nên tiếp tục duy trì sự hiện diện và ngành nào nên xã hội hóa.
“Ngành ngân hàng cũng có những thay đổi như việc thanh tra, giám sát thắt chặt hơn. Việc thực hiện Thông tư 02 đã bị trì hoãn từ năm 2013 nhưng sẽ được thực hiện từ tháng 6 năm nay. Dù vẫn còn một số quy định sẽ bị dời đến tháng 4/2015, nhưng đây cũng là một tín hiệu quan trọng đối với thị trường”, ông Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp WB nói.
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: “Chúng tôi đang trông thấy những quy định được đưa ra, nhưng việc thực thi mới đóng vai trò quyết định. Một số quy định này ảnh hưởng tích cực đến tiến độ cải cách DNNN, nhưng cần phải quan sát xem bước tiếp theo được thực hiện thế nào. Phải làm sao chuyển quy định trong văn bản pháp lý sang thực thi thực tế”.
Báo cáo WB nhận định, những thành quả ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với một vài rủi ro liên quan đến những yếu tố bất lợi: thứ nhất, tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào; thứ hai, tuy xác xuất nhỏ nhưng các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân; thứ ba, đà cải cách cơ cấu kinh tế có thể lại tiếp tục chậm chạp, khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp.
Trước đó một tuần, Báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á” của ADB đã phân tích, khả năng đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước đang bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN. Các chuẩn mực mới về phân loại nợ và dự phòng lại không yêu cầu cao như dự định ban đầu và sự chậm trễ tiếp theo ảnh hưởng đến một số biện pháp quan trọng như yêu cầu điều chỉnh phân loại nợ dựa trên các dữ liệu từ Trung tâm Thông tin tín dụng. Đặc biệt, một thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt, đó là cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng.
“Thu hút đầu tư tư nhân, chủ yếu thông qua cơ chế đối tác nhà nước - tư nhân (PPP), có thể đóng góp rất nhiều vào việc huy động vốn cho các dự án, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận được với kiến thức chuyên môn và công nghệ quốc tế, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, mức độ đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng vẫn còn rất hạn chế, do khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa đủ hấp dẫn và thuận lợi cho các giao dịch PPP diễn ra”, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nói.
Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2014 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa công bố cũng khuyến nghị, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ DN, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng. Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu chính phủ.
“Trên cơ sở lạm phát mục tiêu cả năm, Chính phủ cần chủ động điều tiết hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá cũng như tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ -tài khóa một cách thích hợp để hướng tới mục tiêu lạm phát đã định”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban nói:
“Cập nhật kinh tế của các định chế tài chính từ năm ngoái đã chỉ ra những điểm cần khắc phục, đó là sự sụt giảm đầu tư của khu vực tư nhân, dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp, tiến độ cải cách DNNN còn chậm chạp, tỷ lệ nợ xấu trong khu vực ngân hàng còn cao... Đến thời điểm hiện nay, những yếu điểm trên vẫn được nhắc lại đã khẳng định vai trò quan trọng của nó trong tiến trình cải tổ nền kinh tế và cũng là khuyến nghị về sự chậm chạp trong việc triển khai các cải cách. Việt Nam đã có những bước đi đúng nhưng cần mạnh mẽ hơn”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nói.